Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phấn đấu để Việt Nam không bao giờ có 1.000 ca nhiễm COVID-19

'Chúng ta không chỉ phấn đấu đến ngày 1/4 Việt Nam không có 1.000 ca mà phải phấn đấu để Việt Nam không bao giờ có đến 1.000 ca' - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Quyết không để có 1.000 ca bệnh COVID-19

Sáng 27/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 đề cập đến nhiều nội dung quan trọng trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Tại cuộc họp, trước những lo lắng của người dân về mức độ lây lan nhanh của COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: 

 "Theo logic trên thế giới thì sau 9 ngày số ca nhiễm sẽ tăng từ 100 lên 1.000 ca. Riêng Nhật Bản thì kéo đến 28 ngày. Đối với Việt Nam chúng ta, ngày 22/3 đạt 100 ca nhiễm mới (trừ 16 ca trước đó). Theo đúng logic của thế giới, hết 10 ngày sau (31/3), Việt Nam có khả năng sẽ đạt 1.000 ca nhiễm.

Nhưng tôi khẳng định, Việt Nam sẽ không đạt 1.000 ca nhiễm vào ngày đó như trên thế giới. Bởi vì chúng ta có các giải pháp của Việt Nam và đến giờ các giải pháp này đang rất hiệu quả".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phấn đấu không để 1.000 ca nhiễm xảy ra.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, nếu tính từ ngày 7/3 đến nay, khi chúng ta có ca bệnh số 17, thì chúng ta có 137 ca nhiễm mới. Trong 137 ca nhiễm mới này thì có 86 ca chúng ta cách ly ngay từ khi đặt chân vào đất Việt Nam. Chỉ còn 51 ca là đã vào cộng đồng rồi. Và trong 51 ca này, riêng chuyến bay 0054 từ Anh về thì đã có 20 ca nhiễm.

Trường hợp thứ 2 là từ bệnh nhân số 34 vào Bình Thuận thì đã có 12 ca nhiễm. Và từ bệnh nhân này đã có 3 người lây ra F2. Sau trường hợp đó đến bây giờ thì chúng ta không có lây ra F2.

Chỉ còn 19 ca trong cộng đồng thôi và chúng ta đã và đang kiểm soát tốt các điểm được tạm gọi là ổ dịch, thậm chí những điểm mà chúng ta coi là ổ dịch tiềm năng, cũng đã tiếp cận và khoanh vùng để chúng ta chiến thắng.

"Chúng ta vững tin là nếu thực hiện tốt các chỉ đạo, khuyến cáo thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công như giai đoạn 1. Chúng ta không chỉ phấn đấu đến ngày 1/4, Việt Nam không có 1000 ca mà phải phấn đấu để Việt Nam không bao giờ có đến 1.000 ca" - Phó Thủ tướng nói.

Việt Nam đang kiểm soát chặt ổ dịch

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các ổ dịch khác đang được kiểm soát chặt.

Tại bệnh viện Bạch Mai: 3 đơn vị là Viện Tim mạch, Khoa Thần kinh, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã cách ly hoàn toàn. Nhân viên y tế 3 đơn vị này cách ly ngay tại khoa và khu vực cách ly trong bệnh viện. Bệnh nhân ở các khoa này được cách ly và tiếp tục điều trị tại khoa.

90 bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã chuyển sang bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bộ Y tế đã cách ly 573 nhân viên, bệnh nhân, học viên, người chăm sóc có tiếp xúc gần với ca dương tính COVID-19.

Gần 4.000 người nhân viên y tế và 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện đang được xét nghiệm.

Bệnh viện dừng khám chữa bệnh theo yêu cầu, dừng hoạt động của nhà tang lễ và nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân. Tất cả nhân viên bệnh viện được yêu cầu dừng khám chữa bệnh ngoài giờ tại phòng khám tư.

Giường bệnh và việc điều trị người bệnh nặng (như cấp cứu, hồi sức tích cực, thận nhân tạo, ung bướu) tại các khoa được giãn cách; người bệnh trước khi xuất viện được đảm bảo âm tính và được y tế địa phương tiếp tục theo dõi sức khoẻ.

Cách ly tập trung 153 người liên quan tới quán bar Buddha tại TP.HCM.

Ổ dịch tại Buddha Bar (quận 1, TP HCM) được nhận định là phức tạp, có thể có nhiều nguồn lây bệnh. TP HCM đã cách ly tập trung 153 người có tiếp xúc trực tiếp với những ca bệnh được ghi nhận tại đây.

Theo Thứ trưởng Long, các ổ dịch từ bệnh nhân 100 (quận 8, TP HCM), bệnh nhân 34 (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đang được khoanh vùng, cách ly và kiểm tra y tế với hàng trăm hộ dân; tiếp tục rà soát, sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm.

Xem thêm

Từ 0h đêm nay thực hiện cao điểm chống COVID-19

Trước đó như Gia Đình Mới đưa tin, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/3, Việt Nam bước vào đợt cao điểm chống dịch COVID-19. Thủ tưởng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị 15 về đợt cao điểm chống COVID-19.

Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ TP Hà Nội, TP.HCM đến các nơi khác trên toàn quốc.

Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Xem thêm