Sau khi kết hôn, người phụ nữ Nhật thường nghỉ việc để ở nhà chăm sóc gia đình. Phụ nữ Nhật trở thành ‘mẹ’ chứ không còn là ‘phụ nữ’ hay một ‘người vợ’.
1. Cách ăn mặc
Phụ nữ Nhật thường mặc đồ đen, che kín hết chân tay kể cả khi trời đang mùa hè.
Họ kị nhất là để lộ da thịt, vì thế họ không bao giờ cho con bú ở nơi công cộng và trong các trung tâm thương mại thường có riêng phòng để mẹ cho con bú.
2. Cuộc sống hôn nhân
Sau khi kết hôn, phụ nữ Nhật trở thành ‘mẹ’ chứ không còn là ‘phụ nữ’ hay một ‘người vợ’.
Vợ chồng có cuộc sống tách biệt: Người vợ ăn cơm sớm cùng với các con còn người chồng ăn tối muộn, thường là ăn cùng đồng nghiệp.
Họ rất hiếm khi hẹn hò, không có chuyện nhờ người chăm con để hai vợ chồng ‘hâm nóng tình cảm’.
Nhà hàng ở Nhật rất đắt đỏ và đàn ông thường đi làm về khuya, kể cả trong những ngày cuối tuần nên họ hiếm khi ăn ngoài, họa hoằn lắm được mỗi năm một lần vào ngày sinh nhật.
Các cặp vợ chồng cư xử với nhau rất hòa nhã và thân thiện nhưng dường như hai người sống ở hai thế giới khác nhau. Đàn ông cũng không giúp vợ làm việc nhà.
3. Khi tổ chức tiệc hoặc các buổi giao lưu
Khi các gia đình gặp nhau, đàn ông và phụ nữ ai làm việc người nấy. Phụ nữ thường lúi húi trong bếp nấu nướng và trông nom trẻ con còn đàn ông ngồi riêng một phòng uống bia.
Ngoài ra, phụ nữ cũng không nói chuyện với chồng của bạn.
4. Chế độ dinh dưỡng không kiêng khem khi mang thai
Ở nhiều nước, phụ nữ mang thai không được ăn sushi, phomai, uống cà phê hoặc đồ uống có cồn nhưng ở Nhật thì không.
Thậm chí, có tờ rơi ở bệnh viện còn khuyến cáo phụ nữ mang bầu uống vài tách cà phê và một ly rượu một ngày.
5. Cho con đi nhà trẻ
Ở Nhật có hai loại nhà trẻ, một cho trẻ có mẹ đi làm và một cho trẻ có mẹ ở nhà nội trợ.
Nhà trẻ dành cho trẻ có mẹ đi làm mở cửa 6 ngày/tuần từ 7h sáng đến 6h tối và để con được nhận vào trường này, người mẹ phải xác nhận có đi làm hoặc không thể chăm con vì một lý do nào đó.
Phương pháp sư phạm ở các nhà trẻ này là ‘học mà chơi, chơi mà học’ – trẻ được chơi ngoài trời, nghịch cát và côn trùng, v.v.
Ngược lại, nhà trẻ dành cho trẻ có mẹ không đi làm chỉ mở cửa đến trưa và tập trung dạy học trong lớp.
6. Đưa con đi học
Bố mẹ có thể đưa con đi học cho đến khi trẻ được khoảng 7 tuổi - tất cả trẻ con trong thị trấn/khu phố tập trung lại và cùng nhau đi bộ đến trường.
Những người già trong khu phố tình nguyện trông lũ trẻ qua đường an toàn. Họ rất vui khi giúp đỡ bố mẹ lũ trẻ và thích chào hỏi chúng.
Cha mẹ có trách nhiệm nhắc con chào thật to, không được lí nhí hoặc nhìn xuống đất vì nếu không sẽ rất bất lịch sự.
Bố mẹ cũng thay phiên nhau trông các con khi sang đường và ghi vào quyển sổ của cộng đồng những vấn đề họ nhìn thấy, ví dụ: ‘Học sinh trung học đạp xe với tốc độ quá nhanh!’ hoặc ‘Cần sửa bậc thang để bảo đảm an toàn cho trẻ con’.
Những điều này sẽ được thảo luận trong cuộc họp phụ huynh và giáo viên tới.
7. Chuẩn bị bữa trưa cho con
Đồ ăn trưa của học sinh Nhật thường có cơm nắm, đôi khi được cuốn trong lá rong biển, trứng rán, cá rán, rau xanh, đậu phụ, tảo biển và xúc xích.
Tuy nguyên liệu có vẻ đơn giản nhưng mẹ Nhật đưa ra tiêu chuẩn rất cao cho các hộp cơm bento, họ dậy từ sáng để chuẩn bị nhiều món bổ dưỡng với hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu.
Nếu mẹ nào không chuẩn bị đồ ăn cho con chu đáo, giáo viên sẽ có ý kiến với gia đình.
8. Hoạt động cộng đồng
Ở Nhật, ý thức cộng đồng rất cao. Thị trấn hoặc khu phố tổ chức rất nhiều sự kiện nơi mọi người đều có mặt.
Mỗi tháng một lần, mọi người cùng tụ tập dọn vệ sinh khu xung quanh và ngôi chùa ở chỗ mình.
Đến đâu bạn cũng phải cúi gập người chào hỏi. Nhiều người phụ nữ phương Tây sang Nhật sinh sống phải mất nhiều thời gian để làm việc với những truyền thống và phong tục ở đây – Chủ Nhật không phải là ngày cả gia đình dành thời gian ngủ nướng hoặc đi chơi mà đó là ngày họp mặt cộng đồng.
Nếu muốn con được cộng đồng chấp nhận, bố mẹ phải tham gia những hoạt động này.
9. Chủ đề buôn chuyện
Ở các nước phương Tây và thậm chí ở Việt Nam, khi các mẹ gặp nhau sẽ kể những chuyện trên trời dưới biển, những chuyện gia đình, chồng con.v. một cách rất thoải mái và cởi mở để tìm sự cảm thông, chia sẻ.
Tuy nhiên, ở Nhật thì ngược lại. Nếu bạn tâm sự về gia đình mình, các bà mẹ khác sẽ nhìn bạn với ánh mắt khó hiểu, khiến bạn có cảm giác chỉ mình bạn gặp vấn đề đó.
Dù vậy, bạn hiểu rằng ai cũng trải qua những chuyện tương tự, chỉ là họ không chia sẻ như vậy – người Nhật phân định rạch ròi chuyện công, chuyện tư và chỉ chia sẻ với những người thân thiết nhất.
Các bà mẹ Nhật cũng không bao giờ nói về con cái mình. Việc bạn kể con mình chơi bóng đá hoặc đi học thêm cũng được coi là ‘khoe khoang’.
Đó là vì người Nhật, đặc biệt là phụ nữ thường có lối sống khép kín, khiêm nhường và ít bày tỏ cảm xúc.