‘Sau khi con gái mắc bệnh ALS (tạm dịch là xơ cứng teo cơ), nó kiên quyết muốn hiến tặng nội tạng của mình, đây là nguyện vọng cuối cùng của con gái tôi.’
Đó là lời của ông Lou Gong Yu 54 tuổi và bà Wang Yan Mei (Trung Quốc) khi kể về cô con gái duy nhất của mình – Lou Tao khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Lou Tao là tiến sĩ của trường Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, năm nay mới chỉ 29 tuổi.
Bức di thư gần đây của cô đã gây xôn xao cộng đồng mạng và lấy đi nước mắt của không ít người:
‘Ý nghĩa cuộc sống của một người không phụ thuộc vào việc cuộc sống của người đó ngắn hay dài, quan trọng là những điều mà chúng ta làm được trong cuộc sống.
Mắc phải căn bệnh này, cuộc sống với con chỉ còn là sự đau đớn và tra tấn.
Nên con phải rời khỏi đây thôi. Bố và mẹ phải kiên cường, mỉm cười sống tiếp, đừng buồn vì con.
Sau khi con đi, hãy gửi não con lại để phục vụ nghiên cứu y học.
Hy vọng y học sẽ sớm tìm được cách chống lại căn bệnh quái ác này, giúp những người giống như con sớm thoát khỏi đau đớn…’
Bức thư này là được coi như bản “di chúc” của cô gái trẻ.
Cuộc sống tưởng như hoàn hảo của cô gái xinh đẹp
Lou Tao được coi là hình mẫu về “con nhà người ta” trong mắt của mọi người xung quanh.
‘Cô ấy rất thích cười’ - giáo viên tiếng Anh cấp 3 nhận xét về Lou Tao là một người lạc quan yêu đời.
‘Chỉ cần có việc nhờ, cô ấy sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ’, trong lòng những bạn học của mình, Lou Tao là một người có nghĩa khí, sẵn sàng giúp đỡ người khác, lại thông minh và xinh đẹp.
Là con gái duy nhất trong nhà, Lou Tao luôn mong muốn được ở cùng một thành phố với bố mẹ, không cần ngày nào cũng gặp nhưng phải thường xuyên được ăn cơm nhà và nói chuyện với bố mẹ.
Sức khỏe của Lou Tao rất tốt, khả năng chạy của cô rất nổi bật trong trường và thường xuyên đi bơi.
Căn bệnh quái ác gõ cửa
Tháng 8 năm 2015, khi Lou Tao về nhà nghỉ hè, cô nói cơ thể mình hay bị yếu, mất sức, thậm chí không leo nổi cầu thang.
Khi đó, bố mẹ còn đùa rằng cô 'chân yếu tay mềm' và không nghĩ rằng đó là triệu chứng của một căn bệnh nghiêm trọng.
Tháng 10, Lou Tao quay trở lại trường. Một ngày nọ cô gọi điện cho mẹ nói rằng 1 ngón chân của cô không nhấc lên được.
Sau khi tiến hành kiểm tra nội khoa thần kinh, giữa tháng 1 năm 2016, cô được chẩn đoán là nghi ngờ mắc bệnh về thần kinh vận động.
Căn bệnh này thường được gọi là ALS, tạm dịch là xơ cứng teo cơ.
Sau khi mắc bệnh 1 tháng, Lou Tao chủ động chia tay bạn trai, đồng thời cũng từ chối sự chăm sóc lo lắng của nhiều bạn học.
Cô hy vọng hình ảnh của mình được lưu lại trong trái tim mọi người là một cô gái xinh đẹp khỏe mạnh.
Trong thời gian nằm viện, Lou Tao vẫn luôn nói rằng, chẳng dễ gì vào được một ngôi trường lý tưởng, tìm được ngành học mình yêu thích, không thể tiếp tục đấu tranh với bệnh tật, cô thật sự không cam tâm.
Đối mặt với căn bệnh, Lou Tao nhiều lần không muốn tiếp tục điều trị, nhưng bố mẹ cô vẫn khuyên nhủ con gái tiếp tục kiên trì.
Cuối cùng, lou Tao quyết định viết một bức di thư với mong muốn hiến tặng nội tạng, cô còn yêu cầu 'phần còn lại hãy hỏa táng và rắc tro cốt xuống sông Trường Giang, không để lại chút gánh nặng nào cho xã hội', để cho cô ra đi nhẹ nhàng như chính hình ảnh của cô trong trái tim mọi người.
Di thư này giống như 1 món quà quý giá mà cô muốn để lại cho đời.
7h sáng ngày 9 tháng 10, Lou Tao được đưa đến Bệnh viện Hán Dương, Vũ Hán, người nhà của cô đã thay cô ký tên đăng ký hiến tặng nội tạng.
Hiện nay, cô vẫn đang nằm viện để tiến hành theo dõi.
Bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) là 1 bệnh thần kinh tiến triển, gây thoái hóa và làm chết dần các tế bào thần kinh vận động.
Vì vậy, não và cột sống không thể điều khiển được các cơ tự chủ (vận động theo sự điều khiển của trí óc hay ý muốn).
Triệu chứng chủ yếu là các cơ bị yếu đi, có thể đi kèm với suy giảm hành vi, nhận thức và mất trí nhớ.
Nguyên nhân gây bệnh hiện nay chưa xác định rõ, căn bệnh này tác động đến mỗi người và tiến triển khác nhau, và phần lớn người bệnh chỉ có thể sống sót từ 2 đến 5 năm sau khi phát bệnh.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều là ngẫu nhiên, ít có yếu tố di truyền và không xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Hiện nay việc nghiên cứu căn bệnh này còn gặp nhiều khó khăn và chưa tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.