Hoa là thứ mọi người nghĩ đến đầu tiên trong những dịp lễ lạt, cần bầy tỏ tình cảm với ai đó. Không riêng gì ngày 20/11, những ngày như 8/3, 20/10,… cũng thường có cảnh ngày hôm trước hoa tưng bừng từ nhà ra ngõ, đến công sở, ngày hôm sau hoa tràn lan, rũ rượi ở… thùng rác.
Phải chăng mọi người chọn tặng hoa như một thói quen, như một công thức, mà không nghĩ thực sự bó hoa có phù hợp không, có bầy tỏ sự quan tâm của mình với người được tặng hay không?
Bó hoa không chỉ thể hiện văn hóa ứng xử giữa người tặng – người nhận, mà còn thể hiện văn hóa ứng xử với môi trường, với thiên nhiên mà mỗi người thường vô tình bỏ qua.
Những bó hoa vô cảm
Những người thuộc thế hệ 7X hoặc đầu 8X hẳn còn nhớ thời đi học của mình, những ngày 8/3 hay 20/10 chưa rầm rộ như hiện nay. Chỉ có ngày 20/11 là mọi trường học đều có tổ chức, nhưng những bó hoa, món quà tặng thầy cô thường là rất giản dị.
Học trò thường mua vài nhành hoa nho nhỏ, đến tận nhà để tặng các thầy cô giáo. Hồi đó phụ huynh nào có điều kiện lắm thì tặng thầy cô mảnh vải trắng, chiếc lọ hoa… chứ không có ‘công thức’ bó hoa và phong bì như hiện nay.
Cuộc sống bận rộn hiện nay khiến đa phần các học sinh, phụ huynh không có thời gian để đến nhà thăm và cảm ơn thầy, cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Có lẽ các thầy cô dạy mỗi lớp tới 60 cháu học sinh cũng không đủ thời gian để tiếp đón nếu phụ huynh muốn đến thăm nhà riêng.
Thói quen tặng hoa cũng đã khác, công nghiệp và dường như có phần hơi… vô cảm.
Học sinh, phụ huynh thường ra hàng, mua những bó hoa gói sẵn, đem đến trường tặng giáo viên.
Những bó hoa nhiều khi rất to, độn rất nhiều giấy nilon, giấy màu trang trí. Đôi khi, để thêm phần bắt mắt, các loại hoa được nhuộm màu (hoa hồng trắng nhuộm xanh, hoa khô thì nhuộm đủ 7 màu…), trông vô cùng rực rỡ nhưng kém tự nhiên.
Bó hoa, lẵng hoa thường được độn nhiều loại hoa, lá cắt ngắn. Khi cắm vào lọ, nếu để nguyên cả bó thì nhanh héo, nếu dỡ ra để cắm thì các loại hoa, lá quá ngắn, không thể tạo thành một lọ hoa đẹp.
Nhìn những bó hoa như thế, vừa thương hoa, vừa thương cả người dọn rác. Vì chỉ ngày hôm sau, những bông hoa bị cắt, nhuộm sẽ héo và lên đường ra thùng rác sớm.
Dường như mọi người ngầm quy ước rằng bó hoa càng to càng bầy tỏ tình cảm nhiều, nên nếu là cá nhân tặng thì bó hoa còn vừa vừa, nhưng nếu Hội phụ huynh hoặc Ban cán sự lớp ở bậc Đại học đã mua là phải mua bó hoa, lẵng hoa thật… hoành tráng.
Mọi người thường tặng hoa ở trường, sau đó các thầy cô giáo sẽ vô cùng khó xử với những bó hoa quá sức cồng kềnh.
Cô giáo Mai chừng 50 tuổi, giảng viên một trường Đại học có tiếng ở Hà Nội, thường phàn nàn ‘bỏ thì thương, vương thì tội’ với những bó hoa này. Vóc người cô nhỏ bé, chỉ 2 bó hoa để đằng trước xe máy là không nhìn thấy đường…
Cô chia sẻ: ‘Nhiều khi biết là tình cảm của sinh viên, muốn mang bó hoa về vì rất trân trọng. Nhưng không mang được hết vì cồng kềnh quá, tôi phải đem nhờ các bác bảo vệ đem về cắm hộ.
Sợ nhất là những bó hoa nhiều nilon. Mấy ngày hôm sau, mất công các bác dọn rác kinh khủng’.
Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có khoảng 1,1 triệu giáo viên từ cấp mầm non đến phổ thông. Chưa tính số lượng giảng viên bậc đại học, chỉ cần tính trung bình mỗi giáo viên được tặng một bó hoa trị giá 100.000 đồng, thì số tiền bị lãng phí đã lên tới hơn 100 triệu đồng.
Nếu chỉ là để bầy tỏ tình cảm, nhiều giáo viên cho rằng chỉ cần một nhành hoa nhỏ, tươi tắn – thay vì một bó hoa to nhiều ‘phụ kiện’, cồng kềnh và vô cảm.
Cô giáo Mai chừng 50 tuổi, giảng viên một trường Đại học có tiếng ở Hà Nội, thường phàn nàn ‘bỏ thì thương, vương thì tội’ với những bó hoa này.
Cô chia sẻ: ‘Nhiều khi biết là tình cảm của sinh viên, muốn mang bó hoa về vì rất trân trọng. Nhưng không mang được hết vì cồng kềnh quá, tôi phải đem nhờ các bác bảo vệ đem về cắm hộ. Sợ nhất là những bó hoa nhiều nilon. Mấy ngày hôm sau, mất công các bác dọn rác kinh khủng’.
Cô Mai, Giảng viên Đại học tại Hà Nội
Câu chuyện ‘bó hoa to như bó củi’ từng được nhiều người nổi tiếng nhắc đến trên mạng xã hội. Vào ngày 21/10/2014, người mẫu Trang Trần đã chia sẻ bức ảnh chụp một xe rác đầy hoa cùng status: ‘Ai bảo tôi thực dụng tôi chịu. Ngày lễ lạt cũng xin là cứ quy ra thóc để cho vào thùng từ thiện nó còn ý nghĩa hơn. Lãng phí lắm!’
Thầy giáo kêu gọi tặng sách thay vì tặng hoa
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: ‘Không tặng hoa thì biết tặng gì?’
Nếu dành thời gian tìm hiểu, bạn sẽ thấy tặng hoa tươi các dịp 20/10, 20/11… không còn là lựa chọn của nhiều người.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, một bác sĩ có nhiều người theo dõi trên mạng xã hội vì các bài viết hữu ích, chia sẻ về thói quen tặng hoa, tặng quà vào các dịp lễ:
‘Vào mỗi ngày kỷ niệm, mình thích được nhận lời chúc mừng, một hai nhành hoa nhỏ nếu thích tặng mình hoa, một cuốn sách, một món quà nhỏ làm cho tâm hồn mình bình yên…
Hôm qua chợt nghĩ tới bà con vùng lũ, những người vừa mất người thân một cách tang thương, xong rồi nghĩ đến ngày 20/10… tự nhiên thấy lòng ngậm ngùi.
Lại nhớ đến năm nào mình còn đang thực tập ở bệnh viện, vào ngày Noel, mọi người trong khoa góp một phần tiền lương tháng 13 để giúp 2 gia đình em bé nghèo đến Pháp chữa bệnh theo chương trình từ thiện…
Có chị y tá bảo: tôi góp luôn khoản tiền dành cho những món quà tặng cho trẻ con năm nay rồi sẽ giải thích cho các con, chắc chắn chúng sẽ rất vui lòng…’
Trả lời báo Gia Đình Mới, Nhà báo Trương Anh Ngọc nhận xét về thói quen tặng hoa trong ngày 20/11 của người Việt Nam:
‘Tôi cho rằng việc tặng hoa trong ngày 20/11 là lãng phí, nếu ai cũng tặng thì cực lãng phí. Đôi khi lại thành phô trương và hình thức. Có nhiều cách để tri ân thầy cô, không phải cứ tặng hoa và nói những lời có cánh là biết ơn.
Ở bên Ý, nơi tôi từng làm báo, cũng có ngày dành cho giáo viên, nhưng tôi không thấy ai tặng hoa.
Đó là ngày các giáo viên nói về tình trạng làm việc của họ, về lương bổng, về đời sống.
Họ không kỷ niệm, mà họ biểu tình!
Tương tự như thế ngày 8/3, đấy là ngày phụ nữ lên tiếng đòi bình quyền, chứ không tự ôm nhau sung sướng vì được nhận quà hay nhận hoa’.
‘Có nhiều cách để tri ân thầy cô, không phải cứ tặng hoa và nói những lời có cánh là biết ơn.
Ở bên Ý, nơi tôi từng làm báo, cũng có ngày dành cho giáo viên, nhưng tôi không thấy ai tặng hoa. Đó là ngày các giáo viên nói về tình trạng làm việc của họ, về lương bổng, về đời sống.
Họ không kỷ niệm, mà họ biểu tình!
Tương tự như thế ngày 8/3, đấy là ngày phụ nữ lên tiếng đòi bình quyền, chứ không tự ôm nhau sung sướng vì được nhận quà hay nhận hoa’.
Nhà báo Trương Anh Ngọc
Những cách ứng xử phù hợp hơn thay cho việc tặng hoa được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội.
Anh Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa giáo dục Long Minh, đồng thời là thành viên của phong trào ‘Sách hóa nông thôn’, kêu gọi bạn bè trên Facebook của mình nhân dịp sắp đến ngày 20/11:
‘Tiết kiệm tiền rượu để mua sách cho học sinh... Có lẽ những bài học như vậy cần được chia sẻ trong dịp 20/11’.
Hưởng ứng lời kêu gọi của anh Sơn, một số bạn bè hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng chia sẻ: ‘Mỗi bó hoa nên chuyển thành 1 cuốn sách nhân ngày 20/11.
Mong các bậc cha mẹ học sinh cân nhắc khi mua hoa tặng thầy cô, thay vào đó hãy mua sách tặng lớp hay tặng thầy cô’ (Facebook của Tiến sĩ Đặng Văn Sơn)
Bình luận về quan điểm này, một vị phụ huynh kể về cách tặng sách thay cho quà:
‘Em đã làm nhiều năm rồi, chỉ tặng sách cho cô giáo thôi, từ cô giáo của con đến cô giáo hướng dẫn của em.
Tuỳ độ tuổi, tình trạng hôn nhân, sở thích, tính cách để tặng sách cho phù hợp,…
Ví dụ, cô giáo có con nhỏ thì tặng sách về nuôi dạy con, cô giáo chưa chồng, còn trẻ thì tặng sách về giá trị, kỹ năng cho người trẻ...
Em nghĩ điều này không hề đơn giản nhưng dần dần sẽ làm được. Em đi đám cưới bạn cũng tặng vợ chồng bạn sách, sinh nhật cũng vậy’.
Dù là tặng hoa hay tặng sách, dù không có món quà nào, chỉ là gọi điện để chúc mừng thầy giáo cũ đã lâu không gặp, chỉ cần bạn dành thời gian quan tâm đến cuộc sống, sức khỏe của thầy cô.
Đó mới chính là món quà quan trọng nhất!