Năm 2019, cúng ông Công ông Táo ngày nào đẹp và chuẩn nhất?

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người dân chuẩn bị lễ vật và đồ cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Năm 2019, cúng ông Công ông Táo vào ngày nào là đẹp và chuẩn nhất?

Cúng ông Công ông Táo năm 2019

Theo tục lệ truyền thống của người Việt, ông Công ông Táo là vị thần bảo vệ gia đình. Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, người dân chuẩn bị lễ cúng trang trọng và thành tâm để tiễn ông Công ông Táo (hay còn gọi là Táo quân) lên chầu trời để báo cáo những việc tốt xấu của gia chủ trong một năm đã qua.

Lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp

Người Việt quan niệm rằng lễ cúng ông Công ông Táo hay lễ cúng Táo quân phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và trọng thể để Táo quân phù trợ cho gia đình có cuộc sống ấm êm, sung túc, làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn và đẩy lùi được những điều tai ương xui xẻo.

Nên cúng ông Công ông Táo ở đâu, trong bếp hay trên bàn thờ?

Để trả lời cho câu hỏi nên cúng ông Công ông Táo ở đâu, nên làm lễ cúng 23 tháng Chạp ở trong bếp hay trên bàn thờ, trước hết cần hiểu về sự tích và ý nghĩa của tục lệ cúng Táo quân.

Trong tín ngưỡng dân gian, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Có tên gọi là vậy nhưng người dân quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.

Cá chép được coi là "phương tiện" để ông Táo lên chầu trời báo cáo với Ngọc Hoàng về một năm đã qua.

Như vậy ông Công, ông Táo là hai vị thần khác nhau. Trong khi ông Công là vị thần cai quản đất đai thì ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc trong gia đình.

Vì vậy nhiều người cho rằng việc gộp chung, cúng ông Công ông Táo trên bàn thờ gia tiên là chưa đúng. Đáng lẽ ra phải làm hai lễ, một lễ cúng ông Công trên bàn thờ, một lễ cúng ông Táo ở dưới bếp.

Thực tế cho thấy vẫn đang tồn tại song song việc cúng 23 tháng Chạp ở trong bếp và cả trên bàn thờ gia tiên. Những gia đình cho rằng không nên cúng ông Táo ở dưới bếp sẽ chỉ làm một lễ cúng ở chính bàn thờ gia tiên và thành tâm sửa lễ, khấn vái, cầu mong ông Công ông Táo phù hộ độ trì cho cả gia đình.

Ngay cả các chuyên gia văn hóa, chuyên gia phong thủy cũng khó trả lời chính xác nên cúng ông Công ông Táo ở đâu. Nói chung, vấn đề này tùy thuộc vào tục lệ riêng của mỗi địa phương, mỗi vùng miền.

Ngày và giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo?

Ngày và giờ đẹp để cúng ông Công ông Táo

Ngày nay nhiều gia đình vì điều kiện không cho phép hoặc quá bận rộn, khó sắp xếp thời gian và công việc, nên thường tiến hành cúng ông Công ông Táo từ tối ngày 22 tháng Chạp. Tuy nhiên, tốt hơn hết vẫn nên cúng đúng ngày 23 tháng Chạp.

Năm 2019, giờ đẹp nhất để cúng ông Công ông Táo là trong khoảng thời gian từ 9h- 11h30. Lễ cúng ông Công ông Táo phải hoàn thành trước giờ Ngọ -12 giờ trưa ngay 23 tháng Chạp. Các gia đình nên làm lễ đúng giờ và đúng ngày với sự thành kính và tôn nghiêm để vạn sự được thuận lợi.

Lễ cúng ông Công ông Táo cần những gì?

Lễ cúng ông Công ông Táo nhất định phải có cá chép. Vì trong tục lệ truyền thống, cá chép là “phương tiện di chuyển” của Táo quân, nếu không có cá chép, Táo quân khó có thể lên chầu trời báo cáo với Ngọc Hoàng về những việc tốt xấu của gia chủ.

Tuy nhiên tục lệ này chỉ phổ biến ở miền Bắc. Ở miền Trung, phương tiện đi lại của Táo quân lại là con ngựa, nên người dân thường chuẩn bị một con ngựa bằng giấy với yên cương đầy đủ.

Trong khi đó ở miền Nam, người dân chỉ cúng mũ, áo, hia hài chứ không hề cúng cá chép hay ngựa giấy.

Nghi lễ cúng ông Công ông Táo đầy đủ nhất bao gồm: một mâm cỗ mặn với những món ăn truyền thống (có thể thay đổi tùy từng vùng miền) như bánh chưng (bánh tét), nem rán, giò chả, canh bóng (canh măng), xôi gấc, gà luộc; hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, hoa quả, vàng mã, hương hoa.

Cũng có những gia đình làm cỗ chay cúng Táo quân, điều này hoàn toàn phù hợp và không ảnh hưởng đến sự nghiêm trang của nghi lễ này.

Lễ cúng ông Công ông Táo có thể chuẩn bị mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay, hoặc chỉ chuẩn bị hương hoa với sự thành tâm cao nhất.

Ngoài ra nhất định phải chuẩn bị ba bộ mũ áo cho Táo quân, hai bộ mũ cánh chuồn cho Táo ông và một bộ mũ không có cánh chuẩn cho Táo bà và hia hài đầy đủ.

Sau khi đã chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ, các gia đình bày mâm cúng cùng các lễ vật, thắp hương thành tâm khấn vái Táo quân. Sau một tuần hương hoặc hai tuần hương, tiến hành tạ lễ và hóa vàng. Sau khi hóa vàng xong, mang cá chép ra sông, hồ, ao, suối… và thành tâm thả cá để Táo quân về chầu trời. 

Nghi lễ cúng ông Công ông Táo hoàn thành nghĩa là đã có thể yên tâm rằng Táo quân sẽ lên chầu trời và phù trợ cho gia đình trong một năm sắp tới.

  

Minh Hồng/giadinhmoi.vn

Tin liên quan