Mua nhà Hà Nội khi túi có ít tiền, tôi trả nợ theo chiến thuật ‘mỡ nó rán nó'

Kết hôn 10 năm, trải qua 2 lần mua nhà Hà Nội và mỗi lần đều để lại những kinh nghiệm cho đôi vợ chồng trẻ. Liệu rằng, lần ủ mưu tính kế này của họ có được suôn sẻ.

Xem thêm

Dưới đây là những chia sẻ của chị Nguyễn Phương Khánh (34 tuổi, ở Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ với Gia Đình Mới về hành trình mua nhà ở Hà Nội của vợ chồng chị với những trải nghiệm đầy thú vị và không ít khó khăn, chật vật.

Long đong tìm mua nhà Hà Nội

Tôi năm nay 34 tuổi, chồng còn nhiều hơn tôi 10 tuổi, nên chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm “đau thương” liên quan đến chuyện mua nhà ở Hà Nội.

Số là, vợ chồng chúng tôi đều là dân ngoại tỉnh nên nghĩ đến chuyện mua nhà từ rất sớm. Bởi ông bà ta vẫn nói “an cư lạc nghiệp”

Năm 2010, khi tôi mang bầu cô con gái đầu lòng, vợ chồng tôi đã vay mượn gom góp mua được 1 mảnh đất ở ngoại thành Hà Nội.

Hồi đó giá đất còn tương đối dễ chịu, chỉ tầm 150 triệu là chúng tôi mua được 30m2 đất ở ngoại thành.

Khi đó, sau cưới khoảng 1 năm, cộng số của cải hồi môn 2 gia đình cho khi cưới cùng với tiền làm lụng tích cóp của 2 vợ chồng suốt cả năm chúng tôi có khoảng hơn 50 triệu đồng.

Căn nhà nhỏ được tận dụng vừa ở, vừa làm phòng tranh của gia đình chị Phương Khánh

Như vậy, để mua được mảnh đất này chúng tôi còn thiếu rất nhiều tiền, mà chờ tích cóp được 150 triệu đồng thì đất không còn, giá lại ngày càng đắt đỏ.

Suy nghĩ và bàn tính rất nhiều ngày, vợ chồng tôi quyết định vay mượn bạn bè và gia đình thêm khoảng 100 triệu đồng.

Với số tiền vay mượn được chúng tôi trả tiền đất và phần dư lại cũng xây được căn nhà cấp 4 có gác xép khá xinh, ai đến nhìn ngắm cũng khen.

Cứ nghĩ có nhà của mình rồi thì 2 vợ chồng chỉ cần chăm chỉ làm việc, chi tiêu tiết kiệm thì chỉ vài năm sẽ trả hết khoản nợ.

Nhưng rồi suốt quá trình mang bầu, bận con nhỏ tôi phát hiện ra vấn đề bất cập khá lớn khi chọn mua mảnh đất này. Đó là khoảng cách từ nhà đến nơi làm việc khá xa, đi lại tốn nhiều thời gian, công sức.

Từng góc nhỏ trong nhà được vợ chồng chị Khánh tận dụng để trưng bày các tác phẩm hội họa

Vậy nên sinh sống trong ngôi nhà mua ở ngoại thành Hà Nội được chưa đầy 2 năm chúng tôi quyết định bán và tìm mua nhà khác. 

Lần thứ 2: Chuyển từ dưới đất lên chung cư

Chúng tôi bán căn nhà thứ nhất và giữ lại không được bao nhiêu tiền. Lần thứ 2 “ủ mưu” mua nhà, chúng tôi cũng chỉ có tầm hơn 200 triệu trong tay. 

Rút kinh nghiệm từ những sai lầm của lần mua trước, lần này chúng tôi “khoanh vùng” chỉ mua trong vòng bán kính 5 – 7km xung quanh nơi làm việc. Để không quá sức khi trả nợ, khoản ngân sách xác định dành cho việc “làm tổ” lần này quanh quanh tầm 1,2 – 1,5 tỷ.

Chúng tôi xác định với tiền ít, lại muốn ở tương đối gần trung tâm, thì chỉ có cách mua nhà chung cư. Mất tầm 2 tháng xem xét các nguồn thông tin, vợ chồng tôi chốt lại sẽ mua nhà tại khu chung cư ở Đông Ngạc, một khu chung cư thuộc diện nhà ở xã hội, nhưng có cả những căn bán theo diện thương mại.

Khoanh vùng được nơi để mua, chúng tôi dành thời gian tìm thông tin trên mạng, các diễn đàn, vào cuối tuần, ngày nghỉ lễ thì đến tận khu chung cư đó tìm hiểu. Gần 1 năm tìm mua nhà giống như hành trình “tán tỉnh” chinh phục một cô gái vậy, có khá nhiều chuyện thú vị.

Kinh nghiệm mua nhà Hà Nội qua những lần bị "cò" chăn dắt 

Chuyện đáng nói là vợ chồng tôi từ chỗ gà mờ về đất cát, đã bắt đầu hiểu ra nhiều kinh nghiệm.

Thứ nhất là cách giao thiệp với đội ngũ “cò” nhà chung cư. Cả một năm trời tìm hiểu, chúng tôi đã có danh sách cò bám trụ ở khu chung cư mà chúng tôi định mua, còn biết được tính cách, cách cung cấp thông tin và mức độ tin cậy của các nhân viên môi giới không chính thức này.

Các cò thường rao mức giá tương đối thấp trên mạng để hút khách, nhưng khi gặp thì… giá lại cao ngất ngưởng, lý do họ đưa ra là “căn giá thấp đó bọn em vừa bán xong”.

Lời khuyên của tôi đối với các cặp vợ chồng đang và sắp có ý định mua nhà là, những thông tin có được từ cò chỉ nên là nguồn để tham khảo.

Nếu các cặp vợ chồng có nhu cầu mua ở đâu thì hãy lang thang tìm hiểu thật nhiều ở khu chung cư đó, kết thân với ngay cả dân cư đang ở đó để biết được ưu – nhược của khu nhà.

Đó cũng là lý do mà trong quá trình tìm hiểu mua nhà, vào những ngày nghỉ tôi thường cho các con đến chơi ở khu chung cư.

Thứ hai là chúng tôi xác định được mức giá trung bình của các căn hộ ở khu chung cư. Mức giá này dao động lên xuống ở mức 1 – 2 triệu đồng/m2, tùy theo hướng căn hộ, số lượng đồ nội thất chủ hộ để lại cũng như mức độ… muốn bán của chủ nhà.

Thứ ba, điều này tương đối quan trọng, là phải xem giấy tờ của căn hộ. Khi quyết định một trong 3 việc quan trọng “tậu trâu,… làm nhà”, nếu thấy giấy tờ không ổn, tốt nhất bạn nên dừng lại.

Gian phòng khách nhỏ xinh được tận dụng để trưng bày tranh

Vào tháng 3/2018, sau gần 1 năm tìm hiểu kỹ lưỡng, chúng tôi đã chốt được sẽ mua căn hộ diện tích 56 m2, của một cặp vợ chồng đã sử dụng căn hộ 2 năm, đang có ý định bán để sang một căn hộ rộng hơn.

Thấy mức giá chủ nhà đưa ra chấp nhận được, cộng với thái độ thật thà, chân thành khiến chúng tôi có cảm giác yên tâm khi tiến hành mua.

Thêm nữa, do chủ nhà chưa chuyển đi ngay (vì căn hộ mới họ sắp chuyển đến bị chậm tiến độ) nên chúng tôi có… thời gian xoay tiền. Từ tháng 3/2018 cho đến lúc nhận nhà (tháng 11/2018), vợ chồng tôi có thời gian nửa năm để vay mượn, huy động các nguồn tài chính.

Vay tiền mua nhà và trả nợ theo kiểu nghệ sĩ nghèo

Tôi làm công việc văn phòng, chồng làm họa sĩ tự do, vì vậy nguồn thu nhập của gia đình hoàn toàn không dư dả. Khi xác định mua nhà, chúng tôi tính kéo cày 10 năm may ra mới trả hết nợ.

Chị Khánh thường thay đổi vị trí tranh, đồ đạc, cắm thêm hoa để tạo cảm giác mới mẻ cho căn nhà nhỏ

Nhưng hiện giờ mới 1 năm chúng tôi đã trả được 1/3 số nợ, nếu không có sự cố gì, khoảng vài ba năm nữa là hết nợ nần.

Có được kết quả đó, không thể phủ nhận công sức của chồng tôi. Từ khi mua nhà, anh đã xác định sẽ sử dụng ngôi nhà mới như là một nơi vẽ và phòng trưng bày tác phẩm.

Từ khi bắt đầu nhận nhà là chồng tôi bắt tay vào sơn lại, ốp nền gỗ, sửa sang nội thất. Trừ những thứ đồ thiết yếu cho sinh hoạt gia đình, chúng tôi không mua sắm gì nhiều, để dành hoàn toàn không gian cho các tác phẩm tranh sơn mài và sơn dầu do anh sáng tác.

Thật may mắn là khi sửa sang, bày tranh, lắp đèn xong xuôi thì căn nhà “tác phẩm” của chúng tôi được rất nhiều người ưa thích. Bạn bè của chồng, của vợ, hàng xóm, thậm chí cả… chủ cũ của căn nhà cũng kéo đến đòi mua tranh và nhờ chồng tôi tư vấn về nội thất.

Phòng tranh nhỏ trong nhà chị Phương Khánh thường đón tiếp các gia đình có con nhỏ đến thăm quan

Theo tôi nghĩ, chúng tôi đã đưa ra được một ví dụ thực tế là, với thật nhiều sự quan tâm, chăm chút, thì dù nhà nhỏ, ít tiền, bạn vẫn có thể có được căn nhà đầy đủ công năng sử dụng, thậm chí còn đẹp và mang phong cách riêng.

Chính điều này thu hút rất nhiều khách hàng mới cho ông xã, một điều chúng tôi không ngờ đến trước khi mua nhà.

Từ cuối năm ngoái đến nay ông “họa sĩ nghèo” luôn bận rộn với việc tiếp đón nguồn khách có được từ “căn nhà mẫu” của chúng tôi. Đây cũng là nguồn thu giúp chúng tôi có thể trả nợ nhanh hơn dự kiến mà cuộc sống cũng vẫn tương đối thoải mái.

Cân đối tài chính để trả nợ và sinh hoạt 

Từ khi mua nhà, tôi xác định thu nhập của chồng dành để trả nợ và lo tiền học cho con, các khoản chi phí đối ngoại phát sinh. Còn tôi phải chăm chỉ đi làm để kiếm đủ tiền ăn hàng tháng. Khi đã phân vai rõ ràng như vậy, vợ chồng tôi cũng cảm thấy thoải mái và thêm động lực để cố gắng.

Chị Phương Khánh nghĩ ra nhiều hình thức kinh doanh để thu lợi từ chính ngôi nhà nhỏ của mình

Để đủ tiền rồi mới mua nhà là rất khó, vì vậy các cặp vợ chồng trẻ hoàn toàn có thể áp dụng kinh nghiệm của chúng tôi. Nếu chưa đủ tiền, cứ mạnh dạn vay rồi khai thác ngôi nhà hết tác dụng để trả nợ.

Nếu là giáo viên, có thể mở lớp dạy thêm ở nhà. Nếu khéo tay, có thể mở lớp dạy vẽ hoặc làm bánh, nấu chè... bán online. Hoặc cũng có thể dùng ngôi nhà như nơi tập trung hàng hóa,chụp ảnh rồi bán hàng online.

Có muôn ngàn cách "mỡ nó rán nó" để ngôi nhà sinh lợi, chỉ cần bạn nỗ lực làm thật tốt điều mình yêu thích. 

Với mong muốn giúp những người đang và sẽ có nhu cầu mua nhà Hà Nội có cái nhìn thực tế hơn cũng như có thêm động lực thực hiện ước mơ của mình, Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phát động cuộc thi “Hành trình mua nhà Hà Nội của tôi”.

Trong đó:

• Chia sẻ bước ngoặt nào khiến bạn đi đến quyết định mua nhà? Những khó khăn phải đối mặt khi mua nhà, cách giải quyết các vấn đề đó như thế nào?

• Kinh nghiệm tính toán chi tiêu, kế hoạch trả nợ sau khi đã vay tiền mua nhà Hà Nội?

• Làm thế nào tìm được một dự án nhà đầy đủ tính pháp lý, đúng tiến độ, chọn ngân hàng nào để có lãi suất tốt khi mua nhà?

• Cảm xúc về ngôi nhà đó ra sao? Kỷ niệm vui, buồn sâu sắc nhất trải nghiệm trong quá trình mua ngôi nhà của mình.

Ngoài được hưởng nhuận bút trị giá 500.000 đồng/bài, các tác giả còn có cơ hội nhận giải thưởng tuần, quý, chung cuộc lên hàng chục triệu cùng các chuyến nghỉ mát ở resort 5 sao và tặng phẩm.

Chi tiết TẠI ĐÂY 

Cuộc thi được tài trợ, đồng hành bởi các thương hiệu: 

Phương Khánh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan