Khi con bạn về nhà với khuôn mặt ủ rũ ‘như bánh đa ngâm nước’ vì điểm kém, bạn sẽ đùng đùng nổi giận, đưa ra các hình phạt… hay tìm cách ngồi lại với trẻ, tìm cách giúp con vượt qua khó khăn?
Có nhiều bi kịch đã xảy ra liên quan đến điểm số, tiêu biểu là chuyện một nam sinh tại TP. HCM vừa qua đã tự tử vì bị điểm 3 môn tiếng Anh.
Nhẹ nhàng hơn, nhiều trẻ vì sợ cha mẹ sẽ trách phạt do kết quả học không tốt nên che giấu điều này, đến khi cha mẹ quan tâm phát hiện ra thì lỗ hổng kiến thức đã quá lớn, phải rất khó khăn để bù lại.
Cha mẹ có thể bắt đầu bằng 5 bước sau nhằm giúp trẻ suy nghĩ tích cực hơn về việc bị điểm kém.
1. Bị điểm kém không có nghĩa là con ‘ngu ngốc’ hay ‘thất bại’
Cha mẹ chắc chắn không vui khi con bị điểm kém, thi trượt hoặc phải làm bản kiểm điểm vì một vi phạm nào đó.
Tuy nhiên, đặc biệt nên tránh việc phủ nhận trẻ. Đừng gọi con là ‘ngu ngốc’ hay ‘óc bã đậu’. Những cách ‘dán nhãn’ này sẽ gây tâm trạng tự ti ở trẻ.
Điểm kém và những áp lực ở trường có thể gây tổn thương cho trẻ nhiều hơn bạn nghĩ. Hãy giúp trẻ nhận ra rằng con bị điểm kém, điều đó không có nghĩa là con là đứa trẻ tồi, thuộc diện ‘hết hi vọng’. Điều đó chỉ có nghĩa là con phải học tập chăm chỉ hơn nữa mà thôi.
2. Cha mẹ có thể phạt con, nhưng không phải vì điểm kém, mà vì con đã không chăm chỉ
Cha mẹ cần ngồi lại với con, trò chuyện để con lý giải vì sao mình bị điểm kém.
Nếu vì những lý do ngoại cảnh, như giáo viên giảng khó hiểu, chương trình học quá sức, cha mẹ có thể tìm hiểu thêm từ phía nhà trường, tham khảo các vị phụ huynh khác để có thông tin nhiều chiều.
Nếu vì cá nhân con đã không tập trung, không chăm chỉ, không chuẩn bị đủ tốt cho bài kiểm tra, bài thi, cha mẹ cần giúp con nhận thức rõ. Để trẻ trưởng thành sau thất bại, điều quan trọng là không ‘đổ lỗi’.
Cha mẹ có thể áp dụng hình phạt nào đó với con, ví dụ không xem TV trong vòng một tuần, không được mua thứ đồ chơi mà con thích… Tuy nhiên, hãy giải thích rõ với con: ‘Con bị phạt vì đã không chăm chỉ chứ không phải vì điểm kém’.
3. Tạo động lực phấn đấu cho con
Trẻ luôn luôn cần động lực học tập đúng đắn. Với tính cách, tâm lý của từng trẻ, cũng như với hoàn cảnh của từng gia đình, có rất nhiều cách để tạo động lực học tập khác nhau.
Nhiều trẻ em ở các vùng quê nghèo phấn đấu học tập rất tốt, đơn giản chỉ vì mơ ước thoát nghèo. Trong khi đó một số em nhỏ ở các gia đình có điều kiện, rất thích học một ngoại ngữ hoặc một môn nghệ thuật nào đó, vì em có mơ ước sẽ đi du học hoặc thành công trong nghệ thuật…
Cuối cùng, một đứa trẻ không thể xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Cha mẹ cần tạo động lực phấn đấu cho con nhưng đồng thời không nên tạo áp lực quá căng thẳng.
Con trẻ luôn luôn cần nhận thức rằng: Con học vì tương lai của con, vì đam mê của con chứ không phải học ‘hộ’ bố mẹ, học để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.
4. Đâu là việc mà cha mẹ có thể giúp?
Khi con gặp thất bại trong học tập, cha mẹ là chỗ dựa tinh thần quan trọng. Hãy lắng nghe xem con đang gặp phải khó khăn gì, đây là cơ hội để bạn có được sự tin tưởng và chia sẻ của con.
Khi con càng lớn thì việc chia sẻ với cha mẹ càng trở nên khó khăn, vì vậy bạn hãy thiết lập thói quen này ngay khi con ở lứa tuổi tiểu học. Con có thể cần bố mẹ hướng dẫn việc làm bài tập ở nhà mà bạn quá bận rộn và con cũng không dám bầy tỏ.
Mỗi khi con bị điểm kém, đừng nổi nóng nhưng cũng đừng thờ ơ thái quá, theo kiểu ‘Điểm số không quan trọng, con đi học miễn vui là được’. Cách nói chuyện bình tĩnh, nghiêm túc, giúp con tìm ra giải pháp thay đổi… của bạn cũng là ‘làm gương’ để sau này trưởng thành trẻ giải quyết các vấn đề khó khăn một cách có trách nhiệm.
5. Khen ngợi ngay khi con có những tiến bộ đầu tiên
Nếu tuần này kiểm tra con bị điểm 5 môn toán, mấy tuần sau con thông báo được 7 điểm, hãy nhớ khen ngợi con bạn nhé!
Việc khen ngợi sẽ tạo động lực giúp trẻ tự tin hơn, phấn đấu được thành tích cao hơn trong tương lai.
Đơn giản hơn, một lời khen ngợi cũng chứng tỏ rằng bạn luôn luôn quan tâm và dõi theo việc học tập của con. ‘Cha mẹ tự hào về con!’ hoặc ‘Con tiến bộ hơn rồi đấy!’ sẽ là những câu nói tạo động lực với con nhiều hơn bất kỳ món quà nào.