Chúng tôi là con nhà nghèo, lấy nhau ngẫm tiền nuôi con đã khó, nói gì đến mua nhà Hà Nội. Nhưng đó là chuyện của ba năm trước.
Tôi đang viết những dòng chữ này trong ngôi nhà nhỏ xinh xinh của chúng tôi cùng niềm hân hoan khôn xiết…
Một lần nghĩ lớn…
Hồi mới yêu, chúng tôi là những sinh viên vừa ra trường, đồng lương ít ỏi. Ăn uống cũng phải rất chi li để nhường tiền cho việc thuê phòng trọ. Thành thử đến khi kết hôn, hai đứa cũng chẳng tiết kiệm được đồng nào.
Có thể bạn hỏi chúng tôi về tiền mừng cưới. Thú thực, chúng tôi không nỡ mang đi một đồng nào vì bố mẹ hai bên đã phải vay mượn rất vất vả để lo cỗ cho chúng tôi. Ba chiếc nhẫn, một chiếc lắc tay và một chiếc kiềng vàng là số hồi môn và cũng là khoản tích trữ đầu tiên của chúng tôi.
Thật may là công ty tôi có đợt chuyển đổi cơ chế lương nên tính ra tổng thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi rơi vào khoảng 16 triệu. Số tiền này mỗi tháng chúng tôi tiết kiệm được 5 triệu sau khi chi trả phòng trọ, điện nước, ăn uống, thuốc thang bầu bí, và một phần biếu nội ngoại. Sau gần một năm, chúng tôi đã có trong tay khoảng 60 triệu – Một con số quá nhỏ bé cho việc mua nhà.
Nhưng thiên thần nhỏ bé của chúng tôi chào đời. Căn phòng trọ 16m2 trở nên chật chội hơn bao giờ hết. Chồng tôi đã luôn nhường “suất” ngủ giường cho mẹ con bà cháu, còn anh nằm dưới nền nhà cùng liểng xiểng những đồ những đạc.
Trời ơi lại đúng đợt cao điểm nắng hè. Không điều hòa thì phòng như lò nướng, mà bật điều hòa thì thực là… nướng tiền. Cứ thế nhân lên mức trung bình mỗi tháng tiền trọ và điện nước là 4 triệu, thì một năm chúng tôi đã mất đi khoảng 50 triệu. Giật mình, xót thật!
Lại tính, số tiền 4 triệu “mất đi” mỗi tháng như vậy nếu vay ngân hàng thì cũng tương đương với khoản lãi của nửa tỷ. Bé bỏng của chúng tôi kia sẽ ngày mỗi lớn, bố mẹ cứ mang thân tầm gửi mãi sao được. Chúng tôi quyết: Phải nghĩ cách, phải mua nhà!
Chiến lược giải mã: Tiền đâu?
Tất nhiên cả nửa tỷ cũng không thể mua nhà đất ở thời điểm đất ngoại thành đang sốt. Chúng tôi bắt đầu vạch ra một chiến lược hoàn chỉnh cho bài toán khó nhằn này.
Đầu tiên, chúng tôi khoanh vùng mức tiền mua nhà là khoảng 900 triệu đến 1 tỷ. Sau đó xác định nguồn vay. Như đã nói, chúng tôi có 60 triệu tiền lương tích cóp, 30 triệu nếu bán hồi môn. Và gần 30 triệu tiền… thai sản. Hơn 1/10 chặng đường rồi.
Tiếp đến, chúng tôi xác định nguồn vốn ngân hàng. Mẹ tôi lập tức đồng ý cho chúng tôi mang sổ đỏ đi. Cũng may đất Thái Hòa quê tôi mấy năm lên thị tăng giá nhanh chóng. Mẹ tôi ướm hỏi về nhà thì xác định được mức giải ngân là 300 triệu.
Tiếp đến, chúng tôi nhìn vào người thân với phương châm thuyết phục bằng tất cả sự tha thiết của mình. Chúng tôi không chỉ làm rõ tính cấp bách của vấn đề mà còn trình bày chi tiết kế hoạch trả nợ cho toàn bộ ngôi nhà. Tôi tin một kế hoạch trưởng thành sẽ được đáp ứng tích cực.
Và bạn biết không, cả bác và cậu của chúng tôi đã đồng ý. Bác cho chúng tôi vay 300 triệu không thời hạn, và cậu cho chúng tôi vay 100 triệu. Tuy nhiên cậu yêu cầu giữa năm sau phải trả để cậu xây nhà. Số còn lại khoảng 100 triệu, chúng tôi nhìn vào bạn bè và chắc chắn một số người có thể cho vay được.
Song song với việc thực thi các nguồn vay thì chúng tôi rất tích cực đi tìm nhà để làm sao khớp với thời điểm giải ngân của ngân hàng. Vì nếu giải ngân sớm, bạn chưa tìm được nhà thì cũng phải trả lãi rồi.
Mà nếu tìm được nhà mà ngân hàng chưa kịp giải ngân cũng không ổn. Chúng tôi đi nhiều về phía Tây Nam Hà Nội vì thấy tầm nhìn quy hoạch tương lai, khu vực này sẽ trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của thủ đô.
Lại thấy rất nhiều dự án lớn, đặc biệt là của Vingroup đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đường xá sang sửa to đẹp, rất có ý nghĩa cho những người tìm nhà đất như chúng tôi.
Cuối cùng chúng tôi chốt được một căn nhà ưng ý tại mặt ngõ đường Quang Tiến (phường Đại Mỗ), rộng 30m2, gác lửng, 930 triệu – một con số rất trong kế hoạch. Mọi thủ tục bàn giao sau đó đều nhanh gọn, thuận lợi.
Dùng át chủ bài đưa kế hoạch trả nợ về một mối
Như đã nói, chúng tôi trình bày kế hoạch này trước những người thân tiềm-năng và được cái gật đầu của bác và cậu. Không chỉ nói, chúng tôi cũng phải tự ý thức thực hiện nghiêm khắc kế hoạch này. Đầu tiên, chúng tôi vạch ra tính chất từng nguồn vay:
Từ trên cho thấy, riêng tiền ngân hàng, mỗi tháng chúng tôi cần khoảng 8 triệu, trong đó xấp xỉ 3 triệu tiền lãi đóng luôn và 5 triệu tiền gốc cất két. Số tiền 5 triệu này sau 12 tháng sẽ đủ 60 triệu trả gốc định kỳ.
Lúc này, quỹ tiền lương mỗi tháng của hai vợ chồng còn 8 triệu. Không mất tiền trọ. Điện nước giá dân. Bố mẹ hai bên từ chối nhận tiền biếu. Tiền mọi người dành thăm em bé, tôi giữ nguyên cho việc tiêm chủng. Và tôi đi làm sớm. Tạm tính mỗi tháng, trừ các khoản sinh hoạt phí, ăn uống và nuôi con, chúng tôi còn giữ được 5 triệu quỹ lương.
Việc tiếp theo là chúng tôi xác định nguồn trả nợ ưu tiên: người thân hay bạn bè? Dĩ nhiên là bạn bè. Chúng tôi sắp xếp trả cho những người cần hoàn tiền sớm. Có những khi số tiền vượt quá ngưỡng dự trữ của chúng tôi thì chúng tôi lại “vay chỗ mới đập chỗ cũ”.
Không được mở két, nhất định không mở két
Chúng tôi xác định trong vòng 12 tháng sẽ trả hết 100 triệu cho bạn. Nhưng mỗi tháng quỹ lương chúng tôi chỉ đang dư 5 triệu, 12 tháng mới chỉ là 60 triệu.
Nhất định không được mở két dùng khoản dự trữ trả ngân hàng. Chúng tôi buộc phải làm thêm. Sẵn vốn văn chương, tôi tích cực viết bài cho một số chuyên san, nhận viết content cho một số đơn vị.
Chồng tôi thì tranh thủ buổi tối mang việc công ty về làm để vượt định mức. Trời cho sức khỏe, mỗi tháng chúng tôi cũng thêm được 3 triệu. Và cứ như vậy, kế hoạch trả nợ bạn trong vòng 12 tháng đã thành công.
Nhưng đây cũng là thời điểm chúng tôi phải trả cậu đủ 100 triệu. Không sao, giờ là lúc chúng tôi lấy con át chủ bài ra dùng – sổ đỏ nhà mới. Trước đó chừng một tháng, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu về mức lãi suất của một số ngân hàng đáng quan tâm như SeABank, ABBank, ACB, Techcombank… Chúng tôi vay được 100 triệu rất nhanh gọn. Cách thức trả nợ như sổ đỏ ở quê, tức là trả lãi hàng tháng, mỗi năm trả gốc 20 triệu, trong vòng 5 năm.
Như vậy đến thời điểm sau 12 tháng, chúng tôi vay hai ngân hàng với tổng số 340 triệu. Kế hoạch thu nợ về một nguồn vốn (ngân hàng) đã giúp bài toán của chúng tôi đơn giản hơn rồi.
Từ đây, mỗi tháng chúng tôi cần trả lãi khoảng 3 triệu rưỡi, cho vào két gần 7 triệu. Với mức lương hai vợ chồng là 16 triệu, không phải làm thêm cật lực thì chúng tôi cũng tiết kiệm thêm được đôi ba triệu. Cuộc sống rất dễ thở. Đương nhiên an cư thì lạc nghiệp, chúng tôi luôn cố gắng để vừa không quá căng thẳng nhưng cũng vững vàng mục tiêu hướng tới xóa nợ trước hạn.
Viết tiếp đi, ngày mai…
Thấm thoát đã hơn ba năm từ khi mua nhà. Chính nhờ thời gian làm thêm cật lực năm đầu, chúng tôi đã dần gây dựng được khá nhiều mối quan hệ. Điều này cũng giúp chúng tôi có nhiều những hợp đồng làm thêm.
Chúng tôi lại có quà biếu nội ngoại, có thể lo cho con cái rảnh rang hơn. Có nhiều thời gian ngồi hóng mát với những người hàng xóm thân thương. Và lâu rồi, chúng tôi phải đi du lịch nữa chứ…
Hãy viết nên bản kế hoạch chi tiết cho những cái khó của cuộc đời, bạn sẽ thấy mọi con đường đều trở nên thật dễ dàng!
Tác giả dự thi: Trần Thị Hoàng Yến
Với mong muốn giúp những người đang và sẽ có nhu cầu mua nhà Hà Nội có cái nhìn thực tế hơn cũng như có thêm động lực thực hiện ước mơ của mình, Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phát động cuộc thi “Hành trình mua nhà Hà Nội của tôi”.
Trong đó:
• Chia sẻ bước ngoặt nào khiến bạn đi đến quyết định mua nhà? Những khó khăn phải đối mặt khi mua nhà, cách giải quyết các vấn đề đó như thế nào?
• Kinh nghiệm tính toán chi tiêu, kế hoạch trả nợ sau khi đã vay tiền mua nhà Hà Nội?
• Làm thế nào tìm được một dự án nhà đầy đủ tính pháp lý, đúng tiến độ, chọn ngân hàng nào để có lãi suất tốt khi mua nhà?
• Cảm xúc về ngôi nhà đó ra sao? Kỷ niệm vui, buồn sâu sắc nhất trải nghiệm trong quá trình mua ngôi nhà của mình.
Ngoài được hưởng nhuận bút trị giá 500.000 đồng/bài, các tác giả còn có cơ hội nhận giải thưởng tuần, quý, chung cuộc lên hàng chục triệu cùng các chuyến nghỉ mát ở resort 5 sao và tặng phẩm.
Chi tiết TẠI ĐÂY
Cuộc thi được tài trợ, đồng hành bởi các thương hiệu: