‘Bây giờ khi đánh giá thực lực thì cả người học hệ tại chức hay chính quy đều phải thi để đạt được trình độ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy thì phải thi cùng nhau thì mới có thể thực hiện việc không ghi chính quy hay tại chức trên văn bằng’, GS.TS.NGND Hoàng Xuân Sính cho hay.
Thời gian gần đây, đề xuất không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, cả hai hình thức đào tạo chính quy và tại chức đều có cùng chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra.
Do đó, hình thức đào tạo sẽ không cần ghi trên văn bằng, đồng nghĩa cách gọi chính quy hay tại chức cũng sẽ bị xóa bỏ, thay vào đó sẽ được chuyển thành đào tạo tập trung và không tập trung.
Được biết, đây không phải là câu chuyện mới mẻ, bởi nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã áp dụng hình thức này.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thực hiện được đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trước hết phải kéo dài thời gian học của hệ tại chức và nên tổ chức thi chung cho cả hai hệ đào tạo.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới về vấn đề này, GS.TS.NGND Hoàng Xuân Sính cho hay: ‘Vấn đề nằm ở chỗ, nếu người học muốn có cơ hội thăng tiến thì họ phải có bằng, bởi bằng cấp là thứ để đánh giá thực lực của người học. Và nếu là bằng cấp thì hệ tại chức hay chính quy cũng vẫn phải thi.
Bây giờ khi đánh giá thực lực thì cả người học hệ tại chức hay chính quy đều phải thi để đạt được trình độ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy thì phải thi cùng nhau mới có thể thực hiện việc không ghi chính quy hay tại chức trong văn bằng.
Và theo tôi, nếu chúng ta tổ chức hệ tại chức và hệ chính quy thi chung thì sẽ không lo việc nhiều người ồ ạt lựa chọn học hệ tại chức’.
Cũng theo GS Sính, mấu chốt của vấn đề này nằm ở chỗ người học hệ tại chức không đủ thời gian học do vậy lượng kiến thức tiếp thu có thể không bằng những người học hệ chính quy.
‘Hệ chính quy và tại chức là hai hình thức đào tạo rõ ràng là khác nhau. Học chính quy là tập trung toàn bộ thời gian cho việc học, còn học tại chức là vừa làm vừa học.
Hệ tại chức cho phép người ra đi làm lại có thể tiếp tục được đi học, nếu không có hệ tại chức thì người lao động khi bước vào thị trường lao động không bao giờ có thể tiếp tục được đi học, để thăng tiến trong xã hội và tăng hiểu biết cho bản thân.
Và đối với một quốc gia thì việc vừa làm vừa học là tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do thời gian học của hệ tại chức ngắn hơn hệ chính quy nên về khách quan những người học tại chức không thể bằng người học hệ chính quy.
Do vậy, nếu muốn thực hiện được đề xuất không ghi hình thức đào tạo lên văn bằng thì chương trình học của hệ tại chức phải dài hơn, thời gian học nhiều hơn so với hệ chính quy và tổ chức thi chung cho cả hai hệ đào tạo’, GS Sính nhấn mạnh.