Hôi miệng là một chứng thường gặp ở nhiều người và ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Không ít thì nhiều, miệng ai cũng đều “có mùi” cả. Bạn đừng để căn bệnh trở nặng đến nỗi mọi người phải tránh xa nhé!
Hôi miệng là một chứng thường gặp ở nhiều người và ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Không ít thì nhiều, miệng ai cũng đều “có mùi” cả. Tuy nhiên, ơ phần đông mọi người, hôi miệng chỉ ở mức độ “vừa phải”. Với một số ít người, hôi miệng có thể “rất nặng”.
Hôi miệng có thể không phải là “trọng bệnh”, nhưng lại có thể làm người khác… tránh xa.
Các mùi gây khó chịu ở miệng có thể do nhiều nguồn khác nhau trong cơ thể. Có thể hôi miệng “do miệng” hoặc “không phải do miệng”.
Những nghiên cứu cho thấy 90% căn bệnh hôi miệng đều phát xuất từ khoang miệng. 10% còn lại phát xuất từ bệnh lý đường hô hấp, đường tiêu hóa trên, hoặc những bệnh như bệnh viêm gan, bệnh tiểu đường, hoặc bệnh thận.
Hôi miệng do miệng
Hôi miệng do miệng, xuất phát từ khoang miệng thường ở mức độ nhẹ, và có mùi “dễ chịu” hơn là hôi miệng do những nguyên nhân bệnh lý khác.
Trong khoang miệng, chúng ta có hơn 300 loại vi trùng sống tương trợ lẫn nhau với những cấu tạo phức tạp xung quanh những mô bao bọc chân răng, lưỡi và cuống họng. Phần đông những vi trùng gây biến chứng bệnh hôi miệng đều thuộc loại vi trùng kỵ khí, Gamma âm (G-).
Nguyên nhân đầu tiên và thường thấy nhất là việc giữ vệ sinh răng miệng kém và không đúng cách.
Chải răng một ngày hai lần sáng và tối có thể là điều đơn giản, thành thói quen với nhiều người, nhưng với một số người “made in… làm biếng” thì đó lại là cả một vấn đề.
Thức ăn dư thừa chỉ cần tồn tại trong miệng một vài tiếng là đã có thể bị phân hủy bởi 300 loại vi trùng kể trên. Lúc này, mùi hôi đã bắt đầu xuất hiện rồi.
Tuy nhiên, chỉ chải răng không thì vẫn chưa phải là biện pháp làm sạch triệt để khoang miệng. Vì chải răng không thể làm sạch kẽ răng hay những mặt trong của răng.
Giữ vệ sinh răng miệng đúng cách có nghĩa là phải kết hợp chải răng ngày 2 lần, kéo chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng và 6 tháng một lần định kỳ đi lấy cao răng để làm sạch toàn bộ khoang miệng.
Một số bệnh lý tại khoang miệng có thể gây hôi miệng:
Bệnh nướu răng – nha chu. Bệnh nướu răng (viêm lợi) mạn tính là những nguyên nhân gây hôi miệng nhiều nhất, vì tạo điều kiện thuận lợi cho các vi trùng phát triển tối đa.
Khi nướu răng bị viêm sẽ tạo thành những túi nha chu, là nơi chứa đựng nhiều loại vi trùng kỵ khí luôn xung đột với những kháng tố do cơ thể tạo ra. Quá trình này sẽ sản xuất ra những lượng chất sulfur đưa tới tình trạng hôi miệng mạn tính, nếu tình trạng căn bệnh viêm nướu bị kéo dài.
Sâu răng
Sâu răng không gây hôi miệng.Nhưng nếu những lỗ sâu lớn, gây nhét thức ăn và bị ứ đọng lâu ngày sẽ gây ra tình trạng hôi miệng rất khó chịu.
Tương tự, những tình trạng khác như vết trám bị lồi lõm hoặc mão răng (sứ) bị hở, hay răng giả không được vệ sinh thường xuyên cũng có thể làm cho thức ăn bám dính và ứ đọng lại, gây lên mùi hôi khó chịu.
Răng khôn mọc kẹt cũng tạo những “hốc” chứa thức ăn rất lớn; khi răng khôn mọc cũng gây ra tình trạng viêm nhiễm sưng tấy niêm mạc gây ra mùi hôi.
Chứng khô miệng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm cho miệng có mùi khó chịu, vì lượng nước bọt bị giảm. Nước bọt như một dòng chảy làm sạch miệng.Không những vậy, nước bọt còn có tầm quan trọng bởi tính chất kháng vi khuẩn, kháng siêu vi trùng, kháng trị nấm.
Những nguyên nhân đưa tới chứng giảm nước bọt như là dùng thuốc men, trị bệnh bằng tia phóng xạ chung quanh vùng quai hàm mặt, hoặc thở bằng miệng. Sự giảm xuất nước bọt cũng có thể xảy ra trong những người già vì những tuyến nước bọt bị bóp nhỏ hoặc teo đi.
Thuốc lá, thuốc phiện, Shisa, thuốc lào, cũng làm cho hơi thở “nồng nặc”. Chất nicotine có trong thuốc bám trên mặt răng và lưỡi lâu ngày sẽ làm cho răng, lưỡi thâm nâu và bề mặt răng trở nên thô ráp, tạo nên cơ hội thuận tiện cho trăm loại vi trùng bám vào chân răng và mặt lưỡi và làm hư hoại.
Hơn nữa, nghiện thuốc lá còn làm tăng bệnh nướu răng, đưa tới sự rụng răng sớm cũng như làm tăng nguy cơ mắc những loại bệnh nguy hiểm ung thư miệng, cuống họng, phổi,…
Như đã đề cập ở trên, 90% chứng bệnh hôi miệng phát xuất từ khoang miệng. 10% còn lại là do những bệnh trong cơ thể gây nên. Các bệnh hệ thống, làm thay đổi hóa học bình thường của cơ thể, tạo ra những chất dễ bay hơi đến các hệ bài tiết hay phổi qua đường máu rồi được thoát ra ở mồ hôi, nước bọt, các dịch tiết hay khí thở gây ra mùi hôi.
Nóng sốt và thiếu nước
Nóng sốt cao và thiếu nước trong cơ thể làm giảm sự tiết bài nước miếng đưa đến tình trạng hôi miệng. Cơ thể bị thiếu các sinh tố như sinh tố A, B12, chất sắt, chất kẽm sẽ làm miệng bị khô, nứt nẻ khiến cho bã thức ăn và vi trùng dễ bám vào những chổ nứt nẻ này.
Bệnh tiêu hóa sự suy yếu hoặc ngăn cản việc khép đậy van thực quản như bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, hẹp môn vị, hoặc thoát vị lỗ khuyết đều dẫn tới nguồn hôi miệng.
Trào ngược dạ dày – thực quản không phải là một bệnh, mà là do sự suy yếu (hoặc bẩm sinh) của van đóng – mở đường tiêu hóa trên.
Vì van đóng bị yếu, thức ăn ợ lên và các mùi hôi chua trong bộ tiêu hóa dội ngược lên thực quản, rồi theo miệng thoát ra ngoài. Tình trạng này gây ra chứng hôi miệng gần như là nặng nề nhất.
Bệnh tiểu đường. Sự liên hệ giữa bệnh tiểu đường và bệnh nướu răng đã được y học xác nhận từ nhiều năm qua. Vì hệ thống mạch máu bị nghẽn, việc máu lưu thông đến những mô chung quanh chân răng cũng bị giảm đi, khiến nướu và xương hố răng bị hư hại nhanh hơn bình thường.
Nhiễm trùng đường phổi, ung thư phổi, lao phổi, viêm phổi, hoặc viêm mù màng phổi đều có thể thể hiện thông qua triệu chứng hôi miệng. Bệnh liên quan tới tai, mũi, họng cũng có thể gây hôi miệng vì người bệnh có thể không thở được qua đường mũi mà phải thở bằng miệng.