14 năm chạy thận nhân tạo là nhiều năm anh Trung sục sạo tìm kiếm câu trả lời “Tại sao lại là tôi?”, giữ chặt một tiếng thở dài rồi lẳng lặng bước tiếp.
5 giờ 30 phút sáng, anh Phạm Văn Trung (sinh năm 1976, quê Lạng Giang, Bắc Giang) rời xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị tới Bệnh viện Bạch Mai. Trên đường tới bệnh viện, anh rẽ vào mẹt bán đồ ăn sáng ven đường. Để ba lô vào góc một cửa hàng đóng kín cửa im lìm, ngồi xuống, anh gọi cho mình một suất bánh cuốn chả thay cho phần xôi như mọi khi. Điều này đã trở thành thói quen của anh mỗi sáng sớm thứ 3, thứ 5, thứ 7 tới đây ăn.
Đã 14 năm nay, Phòng lọc máu, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành một điểm đến không thể thiếu 3 lần mỗi tuần của anh Trung. Bao giờ cũng vậy, trước khi lên tầng 4, anh luôn ngồi phía đối diện toà nhà nơi anh lọc máu. Anh ngước lên bầu trời đang lên cao vời vợi, như hít lấy hít để thứ không khí trong lành của một sớm sau mưa.
Xôm tụ với anh là những người bệnh cũng chạy thận và người nhà của họ. Ngồi cùng nhau trên băng ghế dài, họ rôm rả nói về những trận bóng mùa World Cup 2018. Anh Trung cũng góp vui bằng lời bình tỷ số trận Croatia loại chủ nhà Nga.
Ở phía đối diện này, anh và những người đồng bệnh của mình có thể dễ dàng quan sát Phòng lọc máu trên tầng 4 đã mở cửa chưa. Vừa nói chuyện, họ vừa ngước mắt lên cao xem phòng đã được bật sáng chưa để lên bắt đầu chạy thận.
14 năm nay, anh Trung chưa bao giờ có người nhà đồng hành với mình trong khoảng thời gian dài. Một phần vì sức khoẻ anh còn gắng gượng được, một phần do nhà anh neo người.
Duy nhất có lần đầu tiên, anh Trung cùng người mẹ của mình đến Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh vì bác sĩ ở quê nói “Cháu phải đến bệnh viện tuyến trung ương khám ngay. Cháu không được đi một mình”.
Một sáng mùa thu năm 2004, anh Trung đi cùng mẹ tới Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai để xem cái “ngay” mà vị bác sĩ kia cảnh báo anh là gì. Chiều cùng ngày, anh nhập viện và được lọc máu luôn. Lần thứ 2 được lọc máu, anh chắc mẩm chỉ lọc máu nốt ngày hôm thôi là được về nhà với hai cô con gái của mình. Nhưng anh đâu ngờ, thận của anh ngưng làm việc và việc lọc thận là suốt đời.
Anh nhớ, nhá nhem tối cách đó vài ngày, anh vẫn còn lái xe đưa sếp của mình tới Bệnh viện Bạch Mai thăm người ốm. Khi quay trở về tỉnh, anh thấy mắt mờ và dặn sếp của mình. “Lúc nào chú thấy đèn đỏ thì chú bảo cháu đấy!”.
Nằm ở Phòng lọc máu, nghe những người xung quanh xì xào về “chạy thận”, anh Trung mới tá hoả. Hoá ra, lúc điều dưỡng nói anh cần ngồi xe lăn để di chuyển cho dễ dàng lúc đi khám không phải là câu nói đùa cho vui miệng. Anh chua xót nhận ra thận của mình đã hỏng và phải lọc máu cả đời.
“Tôi giống như người đang đi bất ngờ bị gọi giật trở lại, chân đang bước bỗng bị nhốt vào một chỗ”, anh Trung nhớ lại những ngày đầu lọc thận.
Sau hơn 1 tháng được lọc máu, anh Trung mổ một đường nối động mạch và tĩnh mạch trên tay trái để chuẩn bị cho quá trình chạy thận lâu dài sau này. Đây cũng là khoảng thời gian anh phải nói lời tạm biệt với người mẹ của mình và bắt đầu chặng đường gian nan phía trước chỉ có một mình.
- Trời mát, từ thứ 7 đến thứ 3 này đã tăng tận hơn 4kg.
Anh Trung đứng lên cân. Bác sĩ viết “60kg” vào bệnh án. Còn huyết áp của anh hôm nay là 160/100.
Anh Trung là người đầu tiên trong Phòng lọc máu của đợt lọc đầu trong ngày được cắm kim lọc. Khi chiếc kim chạy thận nhân tạo to như ruột bút bi bắt đầu được đưa vào trong thân thể, anh che mắt, bặm môi. Đã 14 năm trải qua giây phút này nhưng lần nào anh cũng phải tập quen từ đầu.
Anh mở mắt, nhìn xuống phía tay trái của mình, là màu đỏ tươi của hai ống dẫn máu nối vào hai chiếc kim lớn: ống đánh dấu đỏ đưa máu ra ngoài, ống đánh dấu xanh còn lại là truyền máu đã được lọc vào lại cơ thể anh Trung.
Nhắm nghiền mắt, anh Trung chìm vào giấc ngủ, mong 3,5 tiếng tại nơi đây trôi qua thật nhanh. Tiếng nói chuyện của những người bệnh suy thận tại Phòng lọc máu thưa dần. Anh Trung cùng mấy chục người đồng bệnh đang nằm cạnh những chiếc máy chạy thận dần chìm vào giấc ngủ.
“Có những lúc tôi mơ tới một ngày mình không còn phải lọc máu nữa, không phải nhìn chiếc kim to trên cơ thể mình nữa. Nhưng rồi, những ước muốn đó cũng nhanh chóng đi vào quên lãng. Tôi tỉnh dậy và biết, ngày hôm nay, ngày mai và những ngày sau, mình buộc phải chiến đấu với căn bệnh này”, anh Trung bộc bạch.
Lần nào cũng vậy, sau ca chạy thận, anh Trung đi xe tới một xưởng may gia đình cách xóm chạy thận gần 3 cây số. Nhìn dáng hình anh vững chãi đi qua từng con phố, ít ai biết được anh vừa trải qua ca lọc máu cách đó chỉ một giờ đồng hồ.
Cởi chiếc áo dài tay mặc bên ngoài chiếc áo ba lỗ, anh Trung sẵn sàng cho ca làm việc chiều và tối. Đều đặn, nếu không đi chạy thận thì anh sẽ bắt đầu công việc của mình lúc 7 giờ 30 phút, còn những ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7 phải tới bệnh viện, anh bắt đầu lúc 11 giờ. Ngày nào anh cũng kết thúc và trở về phòng trọ của mình lúc khi đồng hồ điểm 22 giờ.
Uống cốc trà đá tự pha, anh Trung hăng hái bắt tay vào công việc ngay. Tay trái đeo 2 chiếc garo to bản cũng là tay anh khéo léo đi đường chỉ may. “Trung lái xe giỏi nên giờ vào cua tốt”, chị chủ lên tiếng.
Tiếng máy khâu đều theo tiếng chân nhịp nhàng của anh Trung và đồng nghiệp vang lên. Anh đang ráp cổ và hai ống tay để hoàn thiện chiếc áo trắng đồng phục. Đều đều như vậy, mỗi tiếng anh hoàn thành được 6-7 chiếc áo.
Công việc hiện tại cho anh Trung nguồn thu nhập giúp anh trang trải sinh hoạt phí và các khoản tiền thuốc phát sinh. Ngoài ra, niềm vui mỗi ngày tới nơi đây làm việc là niềm vui không bao giờ tắt trên gương mặt của người đã làm may được hơn 12 năm.
14 năm trước, cũng như những người xác định “sống chung với lũ”, anh Trung rơi vào trạng thái chán nản, cả ngày không muốn làm gì, chỉ chờ đến giờ đi chạy thận là tới bệnh viện. Cuộc sống không kế hoạch, chẳng mục tiêu kéo anh bước chậm chạp qua từng buổi lọc máu.
Lối sống đó kéo dài trong hơn một năm, anh Trung bắt đầu để ý tới những người xung quanh xóm chạy thận, để tâm tới diễn biến thời cuộc. Một ngày tình cờ, anh thấy chị ở đầu xóm chạy thận cũng bị bệnh như mình mà sao chị ấy vẫn đi làm bình thường. “Tại sao mình không đi làm gì đó như chị ấy?”, anh tự vấn bản thân.
Anh lân la theo chị đi học may ở một gia đình cũng có người đang phải chạy thận trong xóm. Anh bắt đầu học cắt may cơ bản từ người chủ của mình.
Những thẹn thùng “Đàn ông mà lại đi học may” dần được anh Trung khoả lấp bằng sự tiến bộ trong từng đường cắt không bị lệch, từng mũi kim may không bị rúm ró.
Trước đây, kể cả anh Trung, chỗ làm này có 3 nhân công là người bệnh đang phải lọc thận. Cách đây khoảng 1 tháng, 1 người trong số họ đã được ghép thận. Anh Trung choáng ngợp với số tiền gần 1 tỷ đồng cho việc ghép thận của người bạn đó. “Những người bị suy thận như chúng tôi đều mong muốn được ghép thận nhưng nhiều tiền quá”, anh Trung nghĩ ngợi rồi lắc đầu.
Bữa cơm trưa tại nơi đây bắt đầu muộn. Anh Trung và những người khác sẽ quay trở lại công việc vào lúc 13 giờ 30 phút.
Chia tay người vợ của mình từ trước khi bắt đầu chạy thận, anh Trung để hai cô con gái sống chung với mẹ của chúng. Đó là những năm hai đứa nhà anh còn nhỏ quá, chưa hiểu ly hôn là gì. Và anh cũng muốn chúng sống chung với nhau, để hai đứa có tình cảm chị em. Anh mặc cả và đồng ý với tình yêu thương của mình dành cho hai cô con gái.
Sau khi vợ cũ đi lấy chồng, anh đón hai cô con gái của mình về sống cùng nhà có cả ông bà nội. Tuy không sống cùng cả bố và mẹ nhưng hai đứa con đều ngoan, hết mực thương yêu nhau. Đây cũng chính là điều anh mừng nhất.
Cô con gái đầu của anh sinh năm 1997 đã sang Nhật Bản theo chương trình vừa học vừa làm. Thi thoảng, hai bố con anh Trung nói chuyện với nhau qua cuộc gọi video:
- Bố ở nhà có khoẻ không?
- Bố khoẻ lắm! Con ở bên đấy giữ gìn sức khoẻ đấy!
- Bố cũng giữ gìn sức khoẻ đấy ạ!
Không mong con kiếm được nhiều tiền, cuộc điện thoại nào, anh Trung cũng nhắn con giữ sức khoẻ. Có lẽ, 14 năm chiến đấu với căn bệnh này, anh Trung thấm cảm giác “Có sức khoẻ là có tất cả”.
Cô con gái sinh năm 2000 của anh Trung vừa mới thi xong kỳ thi THPT Quốc gia. Mi mắt anh vừa hấp háy niềm vui liền cụp xuống, “Nếu con đỗ vào trường ĐH Ngoại ngữ như mơ ước thì cũng là một bài toán kinh tế lớn với gia đình tôi”.
Khác với cô con gái lớn, anh và đứa thứ 2 chỉ cách nhau hơn 60 cây số và hơn 2 tiếng di chuyển nhưng cũng hiếm khi gặp được nhau.
Hai bố con anh Trung chỉ gặp nhau khi anh về nhà vào dịp lễ, dịp giỗ quan trọng và những ngày Tết, anh đưa con gái lên chỗ trọ, để ngày không chạy thận, anh có thời gian bên con vỗ về.
Tuổi thơ và những năm tháng lớn lên của hai cô con gái, anh Trung đều vắng mặt. Có những lúc, anh thương nhớ hai con của mình đến mức vùi mặt xuống gối khóc tu tu như một đứa trẻ lên 3. Thế rồi, hình ảnh hai cô con gái khôn lớn rắn rỏi kéo anh về lại với những mục tiêu cuộc đời.
Chặng đường lọc thận cả đời của anh Trung chưa biết khi nào là hồi kết. Những tháng ngày của hiện tại, anh buông bỏ suy nghĩ về bệnh tật mình đang mang.
Mỗi ngày, anh tiến từng bước về phía trước với suy nghĩ: Còn sống ngày nào là anh đặt trọn vẹn hơi thở của mình vào thời khắc đó.