Chỉ trong vài tháng, 3 em bé là chị em trong cùng một gia đình ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội đều tử vong vì nhiễm khuẩn huyết, trong đó 2 trẻ dương tính với vi khuẩn Whitmore.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, 3 trường hợp vì nhiễm khuẩn huyết là chị em ruột trong cùng một gia đình ở thôn Đô Lương (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cùng tử vong trong vòng 7 tháng qua.
Trường hợp đầu tiên là bé Trần Quỳnh T. (sinh 2012), tử vong ngày 9/4/2019 tại Bệnh viện Xanh Pôn với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.
Chỉ vài tháng sau, từ ngày 31/10 đến 16/11, liên tiếp 2 người em của T. là Trần Công V. (5 tuổi), Trân Quang H. (hơn 1 tuổi) cùng tử vong tại Bệnh viện Nhi trung ương với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, kết quả xét nghiệm máu của 2 bé trai vừa tử vong là bé Trần Công V. và Trần Quang H. đều dương tính với vi khuẩn Whitmore. Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng nói hai cháu bé này lây bệnh cho nhau.
Ông Cảm thông tin thêm: “Đối với bệnh này, chưa có bằng chứng lây từ người sang người. Đây là bệnh có từ rất lâu năm, số mắc bệnh rải rác và bệnh không gây thành dịch. Những trường hợp có nguy cơ cao là bệnh mãn tính, bệnh lý nền như tiểu đường, tim, mạch, thận… Đặc biệt, những người làm ở khu vực tiếp xúc đất, nước không có dụng cụ bảo hộ.
Trường hợp các em bé ở Sóc Sơn tử vong, qua điều tra dịch tễ về mặt xung quanh khu vực cũng như khu vực lân cận không phát hiện trường hợp nào mắc bệnh tương tự. Nên nếu nói các bé lây nhau chưa đủ bằng chứng, vì hiện nay theo y văn vi khuẩn Whitmore rất khó lây từ người sang người mà lây qua tiếp xúc trực tiếp như bị xây xước, tổn thương”.
Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cùng Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Trạm Y tế xã Bắc Sơn tiến hành điều tra tại gia đình bệnh nhân và các hộ xung quanh nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tương tự.
Để phòng ngừa bệnh Whitmore, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo: “Không riêng Sóc Sơn mà tất cả các khu vực người dân lưu ý nên vệ sinh cá nhân, dùng các trang thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc với đất và nước ô nhiễm. Tiếp đó, khi có biểu hiện bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong. Người dân cũng không nên quá hoang mang vì bệnh không gây thành dịch, số mắc cũng rất ít.
Tuy nhiên việc hai bé trong cùng một gia đình tử vong, ở cùng một địa điểm thì đây là điều rất đáng quan tâm. Chúng tôi tiếp tục điều tra, khuyến cáo người dân những biện pháp phòng chống, chủ động theo dõi và tiếp tục có những khuyến cáo tiếp theo”.