Ai cũng có một chiếc xe máy và ít nhất một chiếc điện thoại. Nhưng cách dùng nó như thế nào sẽ nói lên tính cách con người bạn.
Có một thế hệ trẻ chạy Grab bike để kiếm tiền mang trong mình tư tưởng tự chủ cuộc sống của mình, tự chịu trách nhiệm với đồng tiền và tương lai của mình.
Làm chủ bản thân mình
Chỉ cần có xe máy và một chiếc điện thoại là có thể biến thành một nghề kiếm cơm. Đó là ưu điểm để rất nhiều sinh viên hiện nay lựa chọn Grab bike là việc làm thêm, không phải xin bố mẹ.
Với những bạn trẻ ở thành phố thì đó là một khoản thêm để mua quà cho bạn gái, đi chơi. Hoặc đôi khi, đó là cách để trải nghiệm việc kiếm tiền khó khăn như thế nào.
Nguyễn Trường Quân, sinh viên năm 3 Đại học Dược Đại Nam từng làm qua nhiều công việc bán thời gian như tư vấn khách hàng, bán điện thoại… với mức lương khoảng 15.000đ/h.
Quân quyết định gia nhập “đội quân xanh” sau khi tham khảo bạn bè. Buổi làm thêm của Quân bắt đầu bằng việc mở ứng dụng trên điện thoại và chờ khách đặt xe.
Sau gần 2 tiếng “nổ” được 3 cuốc xe, Quân đã thu nhập được 125.000đ. Đối với Quân số tiền ấy xứng đáng với công sức cậu bỏ ra khi so với những việc làm thêm trước đây. Chỉ tranh thủ chạy, cậu đã có được mức thu nhập khoảng 300 – 400.000đ/ngày.
Cũng như Quân, Grab bike mang đến những thứ mới mẻ cho các bạn trẻ. Đặc biệt là việc gặp gỡ nhiều người và mỗi người lại có một câu chuyện vui buồn của riêng họ.
“Vừa mới hôm qua mình chở hai người phụ nữ. Một người thì làm mọi thứ cho chồng con mà chồng lại đi ngoại tình. Một người thì là nạn nhân của bạo hành gia đình. Khi gặp mình hai mắt chị thâm tím mà vẫn nói dối là mới bị ngã xe. Lúc này mình chính là người lắng nghe họ và đưa lời khuyên nếu có thể”, Quân kể.
Con gái chạy Grab bike đấy, có sao không?
Thuỳ Trang, nữ sinh được cư dân mạng truy tìm với biệt danh “hotgirl xe ôm” chia sẻ, có nhiều cuốc, khách đặt xe là nam, khi cô đến, khách không chịu ngồi sau còn một số khách nữ tỏ ra ngạc nhiên: “Lần đầu book được Grab bike nữ”.
Không riêng gì các bạn trẻ, chị em có gia đình cũng chọn chạy Grab bike vì họ có thể chủ động thời gian của mình. Công việc này giúp họ thoải mái nghỉ để chăm sóc con cái, người thân đau ốm… mà không bị trừ lương, mất việc.
Nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại đang sạc nhờ trong 1 quán photocopy trên đường Nguyễn Chánh, trong tư thế sẵn sàng với bao tay đeo kín cầm khẩu trang và chiếc áo đồng phục màu xanh lá in logo Grab bike, Đỗ Hương (Chương mỹ, Hà Nội) bật ứng dụng đợi “nổ” là lên đường.
Hằng ngày, Hương cố gắng sắp xếp thời gian biểu hợp lý để có thời gian chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. 7h15 Hương đưa 2 con của mình, một bé 3 tuổi và 1 bé 20 tháng tuổi tới lớp rồi mất 30 phút đi từ nhà tới đây đợi khách. 2h30 cô về, dọn dẹp nhà cửa, 4h30 đón con.
Chu toàn mọi việc trong gia đình và có mức thu nhập ổn định 7,5 triệu đồng/tháng khiến chồng Hương không còn cản cô chạy Grab bike.
Bên cạnh đó, không ít chị em tìm tới công việc này để có thêm trải nghiệm trong cuộc sống. Vừa tốt nghiệp trường Trung cấp Dược Hà Nội, Hải Yến (quê Thái Bình) chọn chạy Grab bike để trau dồi kinh nghiệm sống trước khi làm đúng ngành học.
Hay như chị Nguyễn Nga (Chương Mỹ, Hà Nội) hiện đang làm cho 1 tổ chức công đoàn tìm đến công việc này để trải nghiệm các nghành nghề trong cuộc sống.
Người phụ nữ sinh năm 1980 này chạy xe những lúc muốn thay đổi không khí, tươi mới tinh thần chứ không bị áp lực kinh tế.
Chồng chị nhất quyết không ủng hộ, con chị bé chưa hiểu rõ nên thấy mẹ chạy xe thì tỏ ra vui lắm còn bạn bè chị thì lắc đầu “Tao chịu mày”.
Đi 1 ngày đàng, gặp ngàn gian khổ
Công việc phụ thuộc vào điểm đi, điểm đến của khách nên những bữa ăn của nữ Grab bike bị đảo lộn. Những hôm chạy xe cả ngày, về đến nhà với cơ thể rã rời, Thuỳ Trang (quê Nam Định) không còn thiết ăn uống gì.
Tuy có đeo bao tay, đi tất, sử dụng áo chống nắng mặc trong đồng phục và đi giầy kín mít nhưng nhiều giờ chạy xe dưới nắng nóng khiến da cô sạm đi, tóc xơ xác, mụn lên chi chít. Chạy xe được gần 3 tháng, dạo gần đây, cô gái sinh năm 1996 này bị bạn bè bảo già đi.
Hay như Vân (Ba Vì, Hà Nội) tự nhận, so với các chị, cô chạy xe ít mà nhan sắc và sức khoẻ đi xuống thấy rõ.
Do phụ thuộc vào khách, việc ăn uống không đúng giờ, thường xuyên ăn ngoài, có những hôm mải đón khách mà quên ăn đã khiến cô gái sinh năm 1993 này thường xuyên bị đau dạ dầy.
Đau lưng, nhức mỏi vai gáy, 2 cánh tay ê ẩm… là những dấu hiệu cơ thể lên tiếng mà bất kì nữ Grab bike nào cũng mắc phải. Nhiều xế chọn cách, chạy 1 thời gian, nghỉ vài ngày để hồi sức rồi bật ứng dụng lên chạy tiếp.
Chị em chạy Grab bike có một áp lực mang tên khách "chấm sao”. Công việc đặc thù lao động bên ngoài, thậm chí dưới cái nắng nóng 40 độ C hay nhiều ngày mưa “thối đất thối cát”, những người phụ nữ này vẫn lao ra đường, chăm chỉ phục vụ khách.
Cực nhọc là vậy nhưng nếu khách chưa vừa ý, đánh sao thấp là coi như bao công sức bỏ bể hết.
Chạy Grab bike được 7 tháng, nữ Grab bike 4.95 sao Nguyễn Nhường (Hà Đông, Hà Nội) duy nhất 1 lần bị khách chấm sao thấp.
Nhường kể, buổi sáng đó, khách đặt xe đi làm. Người khách này nói Nhường đợi 5 phút nhưng cô đã không ngờ mình phải chờ 36 phút. Nhường vẫn niềm nở chở khách đi làm.
“Chị ơi, chuẩn bị ra khỏi nhà thì chị hãy đặt xe giúp em ạ”, Hiền nhỏ nhẹ với khách. Khách không nói gì và sau cuốc đó Nhường bị tụt sao.
Hệ thống hoạt động 24/24 nên không thể thiếu những tài xế chạy đêm. “Chạy đêm mà hỏng xe giữa đường thì chẳng biết kêu ai giúp, đành phải dắt xe về hoặc tấp vào đâu đó ngủ tạm”.
Những cuốc xe đêm có lúc “rợn tóc gáy” khi gặp khách là đối tượng giang hồ, nghiện hút,...
Hết chuyến mà không sao thì tài xế thở phào nhẹ nhõm, nhưng gặp rủi có lúc bị khách quỵt tiền, đe doạ, thậm chí bị cướp hết tài sản.
Một màu xanh xanh...
Một trong những điều mà các Grab biker tự hào là "cộng đồng xanh" này rất đông đảo và nhiệt tình.
Chỉ cần bắt gặp đồng nghiệp trong bộ đồng phục màu xanh ở ngoài đường là họ cười chào nhau, sẵn sàng giúp đỡ ngay khi đồng nghiệp chia sẻ rắc rối đang gặp phải trong công việc lên facebook. Có thể coi đó là một thứ gì đó rất… Grab!
Đề tài được bàn tán sôi nổi nhất là “hôm nay “nổ” nhiều không?” và bác tài nào đang có thu nhập khủng nhất. Không cần phải quen nhau từ trước, chỉ cần nhận ra logo của hãng là các tài xế dừng lại hỏi thăm, trò chuyện cùng nhau trong khoảng thời gian giữa hai cuốc xe.
Mỗi cuốc xe gần, xa là một sự kết nối giữa khách và xế qua những câu chuyện đến từ cả 2 phía. Lúc này, chuyến xe GrabBike không đơn thuần chỉ là chở khách tới địa điểm họ muốn mà đó còn là nơi biết bao nỗi niềm trong đời sống được bộc bạch.
Chia sẻ niềm vui, nỗi buồn khiến đoạn đường như ngắn lại, khách và xế như nhẫn nại hơn trên từng cung đường đông đúc.
Các Grab biker giúp có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người. Mỗi khi chở khách là mỗi lần được lắng nghe, trò chuyện với người lạ, họ lại được biết đến những điều nhiều khi không tưởng tượng ra nổi.
Bởi thế, niềm tự hào với các Grab biker không chỉ là kiếm được tiền mà còn thể hiện cho cá tính, cho cái tôi dám nghĩ, dám làm chứ không chỉ biết ngồi lướt Facebook và phán xét người khác.