Giá vàng hôm nay 19/9/2018 hầu như bình ổn, giá vàng SJC và vàng Bảo Tín Minh Châu đều tăng giảm nhẹ ở mức 10.000 - 20.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC hôm nay (19/9) biến động nhẹ 10.000 đồng/lượng tại một số hệ thống cửa hàng được khảo sát vào lúc 8h30.
Cụ thể, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn tăng nhẹ giá vàng SJC 10.000 đồng/lượng ở chiều mua vào. Giá vàng SJC giảm 10.000 đồng/lượng tại Tập đoàn Doji ở cả hai chiều mua bán và tại Tập đoàn Phú Quý ở chiều mua vào. Riêng hệ thống cửa hàng PNJ chưa điều chỉnh giá vàng SJC vào thời điểm khảo sát.
Giá vàng SJC chi nhánh Hà Nội ở mức 36,53-36,70 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC giao dịch lẻ tại Bảo Tín Minh Châu giảm nhẹ. ở mức 36,57-36,65 so với mức 36,59-36,67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) ngày hôm qua.
Hiện, giá trần mua vào và giá trần bán ra của vàng miếng SJC là 36,56 triệu đồng/lượng và 36,70 triệu đồng/lượng.
Với vàng nữ trang SJC, giá vàng 24K, 18K và 14K vẫn chưa thay đổi so với cuối giờ hôm qua vào thời điểm khảo sát.
Giá vàng thế giới hôm nay 19/9 tăng nhẹ. Giá vàng giao ngay tăng 0,08% lên 1.199,32 USD/ounce vào lúc 5h52 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên mức tăng đó không bù lại mức giảm 0,23% xuống 1.197,75 USD/ounce vào lúc 0h33 rạng sáng nay (giờ Việt Nam).
Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12 tăng 0,09% lên 1.204 USD/ounce.
Nguyên nhân đà giảm giá được cho là do đồng USD mạnh trở lại sau khi có tin Bắc Kinh sẽ đưa thêm 60 tỷ USD hàng Mỹ vào danh sách chịu thuế nhằm trả đũa kế hoạch đánh thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc của Tổng thống Donald Trump. Các nhà đầu tư có xu hướng tin rằng Mỹ sẽ ít chịu thiệt hại hơn trong cuộc chiến thương mại.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đi lên, giúp hỗ trợ đồng USD nhưng đè nặng lên giá vàng.
Nhà đầu tư đang để mắt tới cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tuần tới và Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp này, chuyên gia phân tích Carlo Alberto De Casa của hãng ActivTrades cho biết. “Bất kỳ nhận định nào về chính sách tiền tệ năm 2019 có thể trở thành động lực mới đối với kim loại quý này”, ông cho biết.
Giá vàng đã giảm hơn 12% kể từ tháng 4 do căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và lãi suất tăng tại Mỹ.
Có nên gửi vàng vào các ngân hàng?
Nhiều người dân có nhu cầu đầu tư, tích trữ vàng để bán ra kiếm lời khi giá vàng tăng, tuy nhiên giữ vàng trong nhà khiến họ "lo ngay ngáy".
Tìm đến các ngân hàng để gửi vàng là giải pháp an toàn, tuy nhiên vẫn có nhiều điểm bất tiện. Cụ thể, vàng gửi vào thì dễ, rút ra lại khó.
Trước hết, một số ngân hàng cho phép kỳ hạn gửi tối thiểu là 1 tháng, người dân không được rút trước hạn. Một số ngân hàng khác cho phép rút trước hạn, tuy nhiên muốn rút phải báo trước 1 ngày, và gửi ở chi nhánh nào phải đến đúng chi nhánh đó rút.
Lãi suất vàng gửi khá thấp, đặc biệt nếu rút trước hạn thì lãi suất bằng 0.
“Nếu rút vàng trước hạn thì khách hàng chỉ được hưởng lãi suất bằng 0, điều này tôi chấp nhận bởi lãi suất gửi vàng cũng chỉ xoay quanh 2%/năm, chẳng đáng là bao. Tôi gửi ở nhà băng cho an tâm, chứ không phài vì lãi suất”, chị Nhi - một người sống tại Hà Nội nói.
Như vậy, so với gửi tiết kiệm VND, gửi vàng vào ngân hàng có nhiều hạn chế hơn hẳn. Thứ nhất đó là lãi suất gửi vàng thấp hơn nhiều, phổ biến ở mức 2%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi VND ở mức 14%. Thứ hai, đó là hầu như các ngân hàng đều tung ra các chương trình khuyến mãi để huy động VND quanh năm, trong khi với huy động vàng gần như không có một ưa đãi nào.
Bên cạnh đó, khách gửi VND khi cần tiền bất cứ lúc nào đều có thể rút được, nếu rút trước hạn vẫn được hưởng lãi suất không thời hạn khoảng 2,5 – 3%/năm. Còn khách gửi vàng khi rút lại gặp không ít khó khăn.
Với nhiều hạn chế của việc huy động vàng hiện tại mà các ngân hàng thương mại đang áp dụng, nếu các chính sách đi kèm không thoáng và hợp lý thì rất khó để huy động được số vàng này từ dân. Bởi thói quen đã ăn sâu vào người Việt xưa nay là “vàng giắt lưng”, lúc nào cũng phải để vàng bên mình để phòng thân, làm ăn, mua đi bán lại kiếm lời.
Theo Dân Trí