Đồng vị phóng xạ chì trong không khí Hà Nội cao nhất vào mùa đông, tháng cao nhất lên tới 9,24mBq/m3, Hiện tượng này ảnh hưởng như thế nào tới sức khoẻ?
Trao đổi với Gia Đình Mới ngày 4/10, TS Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, với đồng vị phóng xạ chì (Pb210) trong không khí thì không ảnh hưởng đáng kể tới sức khoẻ của người dân.
"Đồng vị phóng xạ chì (Pb210) không độc hại như chì thông thường nếu con người hít thở từ không khí", ông Quang chia sẻ.
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng đồng vị phóng xạ chì vào các tháng mùa đông với nồng độ tháng cao nhất lên tới 9,24mBq/m3, ông Quang khẳng định đây là mức thấp hơn hàng trăm lần so với mức ảnh hưởng sức khoẻ người dân.
Ông Quang cũng cho biết thêm, việc đo đếm chính xác các thông số có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiên cứu về môi trường như định tuổi trầm tích, đánh giá mức độ bồi lắng lòng hồ, sông biển, xói mòn đất.
"Đây là một trong số nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế, là cơ sở định lượng theo dõi quá trình biến đổi môi trường", ông Quang cho hay.
Tại hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ năm, tổ chức ngày 3-4/10 tại Hà Nội, các nhà khoa học trẻ thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đưa thông tin về việc dùng tia gamma để đo chính xác đồng vị phóng xạ chì (Pb210) - một chỉ số phóng xạ có trong đất, bay lên không khí.
Kết quả đo mẫu không khí ở Hà Nội từ tháng 2/2017 đến tháng 1/2018 thu được trên phin lọc sợi thủy tinh cho thấy nồng độ chì phóng xạ hàng tuần nằm trong khoảng từ 0,12 - 2,89 mili Becquerel/m3 (mPq/trong một mét khối không khí).
Tuy nhiên, các chỉ số này nằm trong giới hạn cho phép. Vào các tháng mùa đông nồng độ chì phóng xạ thường cao hơn mùa hè. Tháng cao nhất lên tới 9,24mBq/m3.