Xoay quanh thông tin một người thợ điện đi đổi 100 USD (tương đương 2,3 triệu đồng) bị UBND TP. Cần Thơ xử phạt 90 triệu đồng đang dấy lên nhiều nghi ngại.
Dư luận khẳng định, chiếu theo khung hình phạt, ông Rê đang vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chiếu theo thực tế, việc xử phạt này còn nhiều điểm bất cập.
Bất cập đầu tiên chính là việc không quá nhiều người dân biết mình đang vi phạm pháp luật. Nhiều người thẳng thắn chia sẻ, chỉ đến khi trường hợp anh Rê bị xử phạt, họ mới biết việc đổi ngoại tệ ở tiệm vàng không có giấy phép là sai luật.
Điều đáng nói, nhiều người khẳng định, dù họ dân trí cao, thường xuyên cập nhật thông tin nhưng vẫn chưa biết quy định trên.
Anh Nguyễn Trọng Hiến (40 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi đọc các bài báo nói về sự việc này, tôi mới biết đổi tiền USD ở tiệm vàng bị phạt. May mắn cho tôi ngày trước tôi có đổi ngoại tệ nhiều hơn của anh này, khi đó, tôi chỉ biết đổi tiệm vàng cho nhanh và hoàn toàn không biết phạm luật”.
Hay như với trường hợp anh Chu Văn Sâm (45 tuổi, Lục Nam, Bắc Giang) chia sẻ: “Nhiều khi, cầm 100 USD ra ngân hàng chưa chắc người ta mua, lại bảo sang nơi khác giao dịch, tôi hay ra ngân hàng đóng tiền điện nên thấy rất nhiều trường hợp phòng giao dịch từ chối mua bán ngoại tệ cho khách với lý do quá ít.
Với một khu vực nông thôn nghèo thì lấy đâu ra địa điểm mua bán ngoại tệ có giấy phép, lại phải chạy lên thành phố để đổi không khéo 100 USD đổi xong bù vào tiền xe cũng chẳng còn lại bao nhiêu, lại tốn công, chật vật”.
Bên cạnh đó, điều bất cập chính ở khung hình phạt. Nhiều người cho rằng, với quy định của Pháp lệnh Ngoại hối, Nghị định 96/2014 chưa thực sự công bằng.
Cụ thể, quy định nêu phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ nhưng không chỉ mức độ. “Điều đó đồng nghĩa với việc, người đổi 20 USD, 100 USD hay 1.000 USD… cũng chỉ có mức phạt ngang nhau?!”, anh Sâm chia sẻ.
Với góc nhìn của người tiêu dùng, dư luận cho rằng, việc xử phạt chỉ nên tiến hành với cơ sở kinh doanh vi phạm. Vì ngay cả khi quy định rõ ràng, người tiêu dùng không có cơ hội xác minh cơ sở kinh doanh có được phép giao dịch hay không.
Chị Phạm Minh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội): “Theo quan điểm của tôi chỉ phạt tiệm vàng là hợp lý, vì họ không có giấy phép giao dịch ngoại tệ mà vẫn làm, nếu họ không chấp nhận thì ông Rê sẽ đi đến nơi khác, bản thân ông Rê không biết tiệm vàng này có cho phép giao dịch ngoại tệ hay không? Chưa bao giờ, tôi thấy cầm tiền ngoại tệ lại nguy hiểm đến vậy”.
Theo UBND TP. Cần Thơ, việc xử phạt ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) dựa trên quy định pháp lệnh Ngoại hối năm 2005.
Cụ thể, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý.
Do đó, hành vi của ông Rê, được xem là vi phạm pháp luật và áp theo khung xử phạt hành chính, theo Nghị định 96/2014, từ 80 đến 100 triệu đồng.