Hàn Quốc đã ghi nhận một hành khách từ Trung Quốc đi đường hàng không mang theo 150 kg xúc xích heo nhưng khi xét nghiệm mẫu đã phát hiện virus tả lợn trong sản phẩm khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.
Dịch tả lợn Châu Phi (African Swine Fever - ASF) đang hoành hành tại nhiều tỉnh ở Trung Quốc khiến nhiều người tiêu dùng trong nước không khỏi hoang mang, lo lắng khi mà nhiều sản phẩm thịt lợn của Trung Quốc được nhập khẩu chính ngạch và không chính ngạch vào nước ta thời gian qua không phải là ít.
Nguyên nhân gây dịch tả lợn, dịch có ảnh hưởng đến con người không?
Dịch tả lợn Châu Phi (African Swine Fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm do một loại virus gây ra cho loài lợn; có tốc độ lây lan rất nhanh, tỷ lệ chết cao, lên đến 90% và thường ghép với bệnh khác như bệnh Phó thương hàn, Tụ huyết trùng, Đóng dấu hay các bệnh do Mycoplasma
Lợn mắc bệnh ở mọi lứa tuổi, phố biến nhất là lợn con từ 2 - 3 tháng tuổi.
Virus ASF là loài đặc hữu của động vật hoang dã bị nhiễm bệnh ở châu Phi, nhưng cũng đã nhiều lần bùng phát ở Nam Âu. Các trường hợp bùng phát ASF đã phát hiện ở các nước Baltic kể từ năm 2014.
Virus gây ASF tồn tại lâu ở ngoài môi trường, có thể sống sót vài ngày trong phân lợn, vài tháng đến vài năm trong thịt đông lạnh. Tuy nhiên, đây là loại virus có sức đề kháng yếu, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao và các chất sát trùng thông thường như xút (NaOH) 2%, nước vôi 5%...
Như vậy virus ASF chỉ lây từ lợn sang lợn, không gây nguy hiểm hoặc nguy cơ cho con người.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo thịt lợn, cũng như tất cả các loại thịt sống khác cần được chế biến kỹ trước khi ăn, vì chúng có thể chứa nhiều tác nhân gây bệnh.
Nên giữ lạnh và để riêng biệt thịt lợn sống với các thực phẩm khác trước khi nấu. Khi đun nóng, nhiệt độ lõi thịt lợn phải đạt 70 độ C hoặc cao hơn, thời gian duy trì nhiệt độ cao ít nhất hai phút.
Nguồn lây truyền mầm bệnh là các chất bài tiết, dịch tiết, máu, lách của lợn bệnh chứa virus. Những lợn khỏi bệnh sau 2 tháng vẫn bài thải mầm bệnh ra ngoài môi trường làm nguồn lây nhiễm cho cá thể khác.
Lợn bệnh có thể lây bệnh trực tiếp qua tiếp xúc với lợn khỏe; hoặc lây gián tiếp qua các chất bài tiết, qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển hay do tiếp xúc với các động vật mang mầm bệnh…
Đặc biệt, Hàn Quốc đã ghi nhận một hành khách từ Trung Quốc đi đường hàng không mang theo 150 kg thịt heo đã qua chế biến (xúc xích) nhưng khi xét nghiệm mẫu đã phát hiện virus ASF trong sản phẩm.
Như vậy, thực phẩm cũng có thể là nguồn làm lây lan dịch bệnh ASF. Ngay cả thức ăn gia súc nếu được chế biến từ bột xương, thịt của lợn bị bệnh, cũng có thể làm lây bệnh sang cho lợn lành.
Thịt heo, xúc xích "xách tay" từ Trung Quốc về có thể lây bệnh cho đàn lợn trong nước
Các chuyên gia đánh giá các dạng thịt heo và sản phẩm chế biến từ heo được "xách tay" từ vùng dịch về Việt Nam là mối nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Trước tình hình trên, Theo báo Người Lao Động, Cục Thú y đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và các hãng hàng không yêu cầu hành khách đi trên các phương tiện giao thông từ các nước đang có dịch ASF phải khai báo và tiêu hủy sản phẩm thịt heo nếu họ mang theo.
Theo Tổ chức Thú y thế giới, Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9, trên thế giới đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh ASF, tổng số heo phải tiêu hủy là 500.000 con. Tại Trung Quốc, đã có 14 ổ dịch xảy ra, tổng số heo đã phải tiêu hủy là 38.000 con và đang có xu hướng dịch chuyển sang phía Nam (giáp biên giới Việt Nam).
ASF là bệnh rất nguy hiểm trên heo vì không có thuốc chữa, khi phát hiện 1 mẫu dương tính với bệnh cách đối phó là tiêu hủy toàn bộ đàn heo (kể cả heo lành) trong bán kính 3 km.
Hiện cũng chưa có vaccine phòng ASF cho lợn, nên biện pháp để phòng ngừa dịch này chỉ bao gồm:
- Phát hiện sớm lợn mắc bệnh. Báo cáo với cơ quan chuyên môn để tiêu hủy lợn bệnh, ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.
- Tuyệt đối không mua bán, chế biến thịt heo bệnh, kể cả các sản phẩm thịt đã nấu chín.
- Mua và sử dụng các sản phẩm thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Để phát hiện sớm lợn mắc bệnh, cần lưu ý dấu hiệu lợn bị dịch tả lợn ASF có 3 thể bệnh sau:
Đây là thể dịch tả lợn xuất hiện đột ngột, lợn không biểu hiện triệu chứng, bệnh tích gì, chỉ ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao trên 41 độ C, chết nhanh trong vòng 1 - 2 ngày, tỷ lệ chết có thể lên tới 100%.
Lợn bệnh ủ rũ, biếng ăn hoặc bỏ ăn, sốt cao kéo dài; mắt viêm đỏ có dử, chảy nước mũi; miệng có loét phủ bựa vàng ở lợi, chân răng, hầu; lợn nôn mửa, thở khó, nhịp thở rối loạn; lúc đầu táo bón sau tiêu chảy, phân có mùi thối khắm và có thể lẫn máu tươi.
Trên da lợn có nhiều điểm xuất huyết lấm tấm ở tai, mõm, bụng và 04 chân; giai đoạn cuối của bệnh, lợn bị bại liệt 2 chân sau, đi loạng choạng hoặc không đi được.
Lợn bệnh tiêu chảy, gầy yếu, chết do kiệt sức; lợn khỏi bệnh có thể mang virus, đây là nguồn lây lan bệnh cho cá thể khác. Khi mổ khám, thấy có những vết loét lõm sâu ở ruột, phủ bựa vàng; phổi có thể bị viêm dính vào lồng ngực.