Vào đêm giao thừa, người dân Việt Nam thường có phong tục đến đình chùa thắp hương cầu mong cho một năm mới gặp nhiều điều may mắn rồi hái lộc mang về với hi vọng sẽ rước được nhiều tài lộc về nhà.
Theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, vào đêm giao thừa, mọi người sẽ đến đình chùa hoặc đền phủ để thắp hương rồi sau đó hái một cành lộc non mang về với hi vọng sẽ rước được nhiều tài lộc cùng may mắn về nhà.
Nguồn gốc tục hái lộc đầu năm
Theo tích xưa kể, từ thời Vua Hùng đã xuất hiện tục hái lộc. Chuyện kể rằng khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng chọn ngày lành tháng tốt làm lễ tế trời đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay) cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm.
Chờ lúc sang canh Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua chia cho mỗi người con một cành lộc và dạy rằng: "Non ở nhà, già đi ấp. Chẵn lên non, còn xuống biển".
Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con.
Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp này còn lưu truyền mãi mãi, tục xin lộc đầu xuân cầu may trong dân gian nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa.
Cùng với nhiều phong tục khác, hái lộc đầu xuân đã dần trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt Nam.
Theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, hái lộc xuân từ những cây thuốc thuộc bộ tứ linh thực vật (đa, sung, xanh, si) sẽ mang đến cho mọi người những kết quả tốt đẹp nhất vì những cây này tương ứng với bộ tứ linh động vật (long, lân, quy, phụng) trấn ải vùng ngoại thất, còn những lộc hái từ những cây thuộc bộ tứ quý thực vật (tùng, cúc trúc, mai) ứng với tứ bình thuộc phạm vi nội thất. Bốn góc nhà sẽ phối hợp tạo niềm vui, hạnh phúc và sức khoẻ cho mọi người trong gia đình.
"Lộc" có 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất là nhánh cây non và nghĩa thứ 2 là bổng lộc.
Theo đó, trong cụm từ “hái lộc đầu xuân” sẽ mang ý nghĩa là một mầm non vừa nhú ra từ thân cây, từ nách lá.
Theo tục người xưa, đầu năm, mọi người sau khi đến đình, chùa thắp hương đầu năm sẽ hái một nhánh cây non mang về treo trước nhà hoặc bày trên bàn thờ với hi vọng có thể đem phước lộc về cho gia đình
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng của tục hái lộc đầu xuân nên có thể gây ra sự phá hoại môi sinh.
Do vậy, nhiều người không biết chắc chắn rằng có nên đi hái lộc vào đêm giao thừa hay không?
Về mặt tâm linh, theo nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người, trong dân gian có truyền thuyết là những linh hồn trẻ nhỏ và oan hồn không thể siêu thoát thường vất vưởng, tá túc nhờ vào cây cối.
Tại các chùa, đình, đền, miếu, điện các vong hồn tha phương không nơi nương tựa rất nhiều và khi chúng ta hái lộc ở các nơi đó đưa về nhà sẽ dẫn đến việc vô tình đưa các vong hồn đó vào nhà.
Vì vậy, theo nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Mạnh Cường thì chúng ta không nên hái cành lộc vào ngày Tết kẻo vớ phải vong dữ thì phiền phức, tốt nhất người dân không nên bẻ cành, chặt cây ở chốn linh thiêng và ngay cả nơi công cộng cũng vậy, để có thể hạn chế được vấn nạn phá hoại môi sinh.
Mặt khác, nếu muốn hái lộc vào đêm giao thừa, các bạn cần biết cách hái sao cho đúng, để tránh việc bẻ cành, chặt cây, tàn phá cảnh quan môi trường.
Hái lộc đầu xuân là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, vào thời khắc giao hòa giữa đất trời thì việc hái lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích. Tuy nhiên, mọi người cần hiểu rõ và có những nhận thức đúng đắn về phong tục này.