Tại khu phố cổ ở Hồng Kông, có những căn nhà rộng chưa đầy 5 mét vuông người ta đặt tên cho nó là ‘nhà quan tài’.
Hồng Kông lúc nào cũng rực rỡ ánh đèn từ các cửa hàng thời trang, trang sức và công nghệ xa xỉ, những tòa nhà chọc trời là trụ sở của các tập đoàn lớn, biến nơi đây thành trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu của thế giới.
Với dân số khoảng 7,5 triệu người và gần như không còn đất trống, Hồng Kông trở thành thị trường nhà đất đắt đỏ nhất trên thế giới.
Đằng sau những vẻ hào nhoáng đó, khoảng 200.000 người, trong đó có 40.000 trẻ em phải sống trong những căn nhà khoảng 5 – 30 mét vuông.
Tận mắt chứng kiến cuộc sống trong những căn nhà ‘quan tài’ ở đất nước mình, nhiếp ảnh gia Benny Lam người Hồng Kông đã thú nhận: “Hôm đó về nhà, tôi đã khóc”.
Anh lặng người hồi tưởng lại: “Tôi rất thương họ. Cuộc sống như vậy đâu thể coi là bình thường!”
Sau bốn năm đến thăm hơn 100 căn nhà phân chia ở khu phố cổ của thành phố, anh Lam đã quen với những căn nhà rộng chưa đầy 5 mét vuông có tên gọi ‘nhà quan tài’.
Để dựng được những ngôi nhà ‘quan tài’ này, 120 mét vuông đất sẽ được chủ đất chia bất hợp pháp để chứa 20 chiếc giường hai tầng, mỗi giường có giá 2000 đô la Hồng Kông (khoảng gần 6 triệu VNĐ) mỗi tháng.
Bị đẩy ra đường vì giá thuê nhà tăng cao, hàng chục nghìn người không còn lựa chọn nào khác ngoài sống trong những căn nhà chia lô bé tí, phòng bếp và nhà vệ sinh là một, những ngôi nhà ‘quan tài’ và ‘nhà chuồng’ rộng chưa đầy 5 mét vuông được dựng bằng dây thép.
Tất cả mọi sinh hoạt từ ăn đến ngủ đều được diễn ra trong những ngôi nhà bé đến nỗi đứng thẳng người còn khó khăn.
Trong chương trình có tên gọi ‘Bị mắc kẹt’, anh Lam muốn nhấn mạnh những mảnh đời khốn khổ mà ánh điện của Hồng Kông hoa lệ không chiếu tới.
Anh hy vọng bằng việc đưa những số phận này ra ánh sáng, nhiều người sẽ chú ý hơn đến những bất công trong xã hội.
Rất nhiều người trong số họ thấy xấu hổ vì sống trong những không gian chật hẹp như vậy, nhưng họ hy vọng sẽ nhận được sự giúp đỡ khi mọi người nhìn thấy những bức ảnh này.
Trên trang Facebook của mình, nhiếp ảnh gia Benny Lam Lam chia sẻ: 'Có thể bạn tự hỏi tại sao chúng ta phải quan tâm bởi vì những người này chẳng liên quan gì đến cuộc sống của chúng ta?'.
Nhưng họ chính là những người xuất hiện hàng ngày trong đời bạn: Phục vụ bàn, bảo vệ, lao công hoặc người giao hàng. Khác biệt duy nhất giữa chúng ta và họ chỉ là nơi ở.