Chính phủ Việt Nam xác định phòng, chống tội phạm mua bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có báo cáo đánh giá về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2019 (báo cáo TIP 2020).
Đây là báo cáo hàng năm theo Đạo luật Bảo vệ nạn nhân bị mua bán của Hoa Kỳ năm 2000 do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trình lên Quốc hội, trong đó, nhận xét nỗ lực phòng, chống mua bán người của 187 quốc gia trên thế giới; tiếp tục kêu gọi Chính phủ các nước thực hiện nghiêm túc Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư bổ sung.
Đáng chú ý, Báo cáo TIP năm 2020 tiếp tục xếp Việt Nam vào Nhóm 2 theo dõi, nhóm này gồm các nước có nỗ lực tương tự như Nhóm 2 (chưa tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu về phòng, chống mua bán người theo Đạo luật TVPA song đã nỗ lực đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn đó) nhưng cần phải theo dõi.
Đáng nói, đây là năm thứ hai liên tiếp, báo cáo có những đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về vấn đề phòng, chống mua bán người ở Việt Nam, trong đó có công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ và những hiệu quả trên thực tế.
Báo cáo TIP 2020 đánh giá kết quả, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người trên 3 lĩnh vực: “Phòng ngừa”, “Bảo vệ” và “Truy tố" không chính xác, không phản ánh khách quan và chính xác về tình hình, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống mua bán người ở Việt Nam, nhất là căn cứ số vụ án mua bán người được điều tra, truy tố, xét xử giảm so với các năm trước để đánh giá nỗ lực thực thi pháp luật của lực lượng chức năng đã giảm bớt là không chính xác.
Trong thực tế, Chính phủ Việt Nam xác định phòng, chống tội phạm mua bán người là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội; lấy phòng ngừa là chính, tạo ra những bước đột phá nhằm ngăn chặn, giảm cơ bản tình trạng mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Theo báo cáo mới đây của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ năm 2019 đến 06 tháng đầu năm 2020 lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá 236 vụ, bắt 308 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Viện kiểm sát nhân dân các cấp truy tố 118 vụ, với 203 bị can.
Toà án nhân dân các cấp đã giải quyết, xét xử 145 vụ, với 255 bị cáo phạm các tội về mua bán người. Đặc biệt, 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Trong nước, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, nhất là các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người- 30/7”.
Cụ thể, tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải, đưa gần 1.000 tin, bài, phóng sự; in trên 30.000 phong bì cấp phát miễn phí cho 25 địa phương biên giới…
Đồng thời, tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”; Lễ mít- tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” tại tỉnh Lạng Sơn (năm 2019) và năm 2020 tại tỉnh Nghệ An; phát động Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020, triển khai thực hiện có hiệu quả tại 110 xã biên giới; phát hành Bộ tài liệu tập huấn truyền thông thay đổi hành vi trong phòng, chống mua bán người; xây dựng phóng sự về những mô hình truyền thông có hiệu quả về công tác phòng, chống mua bán người.
Không những vậy, Việt Nam còn tăng cường hợp tác quốc tế phòng, chống mua bán người. Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người (ngày 21/11/2018); Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 02/4/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Bản ghi nhớ.
Hiện nay, đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết Hiệp định song phương giữa Việt Nam – Malaysia; Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Mi-an-ma về hợp tác phòng, chống mua bán người.
Việt Nam là thành viên tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và Thỏa thuận toàn cầu về người tị nạn (GCRs) do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp; phòng, chống di cư trái phép và buôn bán người; bảo vệ quyền và lợi ích của người di cư.
Bên cạnh những nỗ lực phòng ngừa, giải cứu thì việc hỗ trợ các nạn nhân của mua, bán người trong thời gian qua cũng được Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam dành nhiều sự quan tâm.
Theo thống kê, đến nay, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập, thuộc các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó có những mô hình tiêu biểu như: Nhà Nhân ái tại Lào Cai và An Giang; Ngôi nhà bình yên, thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển.
Trong thời gian tới, Bộ Công an đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Chương trình 130/CP giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng.
Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự (năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó có phần liên quan đến tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân.Tiếp tục triển khai có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Nghị định thư kèm theo Công ước về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em...