Chất bảo quản thực phẩm đi vào bàn ăn của gia đình bạn như thế nào?

Chất bảo quản ngăn ngừa các vi sinh vật phát triển trên thực phẩm, giúp tăng thời gian các loại rau quả, thịt cá, các loại thực phẩm đóng hộp… có thể để trên kệ siêu thị, cũng như trong tủ lạnh nhà bạn.

Thực phẩm tươi sống cũng có thể chứa chất bảo quản thực phẩm 

Mặc dù ngày càng nhiều sản phẩm dán nhãn 'không chất bảo quản thực phẩm' nhưng trái lại, có những nguồn thực phẩm chứa rất nhiều chất bảo quản mà bạn lại không biết. Bạn cũng nên lưu ý những thực phẩm thường phải dùng nhiều chất bảo quản hơn các loại khác để có lựa chọn thông minh.

Những nguy cơ sức khỏe do chất bảo quản thực phẩm gây ra

Khó thở

Một trong những tác hại của chất bảo quản trong thực phẩm là tiềm ẩn nguy cơ gây khó thở. Theo trang web MayoClinic.com, việc loại bỏ thực phẩm có chất bảo quản khỏi chế độ ăn uống có thể làm giảm các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh suyễn.

Trang web này đã chỉ ra 3 chất bảo quản: aspartame, sulfites, benzoat và thuốc nhuộm màu vàng No.5 là chất bảo quản có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về hô hấp ở bệnh hen và những người khác.

Trong khi đó, tạp chí Medical News Today (Mỹ) cho biết các chất bảo quản sunphyt gây ra hơi thở ngắn và các vấn đề về hô hấp khác.

Thay đổi hành vi

Một tác động có hại khác của chất bảo quản trong thực phẩm là thay đổi hành vi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu với 1.873 trẻ em nước này về tác động của chất phụ gia thực phẩm và chất bảo quản. Kết quả nghiên cứu công bố năm 2003 cho thấy các trẻ tiêu thụ các chất phụ gia thực phẩm và chất bảo quản bị tăng đáng kể hành vi hiếu động.

Trẻ không ăn thực phẩm có chứa chất bảo quản hoặc sử dụng giả dược không dẫn đến những hành vi này. Kết quả được đo bằng cả báo cáo của cha mẹ và nghiên cứu khách quan.

Bệnh tim

Các nghiên cứu về tác động của chất bảo quản thực phẩm với mô tim đã được tiến hành bằng cách: cho một số con chuột thí nghiệm ăn chất này với các lượng khác nhau.

Kết quả là những con chuột ăn nhiều chất bảo quản thực phẩm có mức tổn thương tim cao nhất theo thời gian.

Khó thở, gây bệnh ung thư hay biến đổi hành vi là những nguy hại tiềm ẩn do thực phẩm chứa chất bảo quản gây ra 

Ung thư

Một trong những tác hại nghiêm trọng nhất của chất bảo quản trong thực phẩm là khả năng biến đổi thành chất gây ung thư khi tiêu hóa.

Theo InChem – một tổ chức nghiên cứu khoa học tại Mỹ, một số chất bảo quản thực phẩm tương tác với dạ dày và axit dạ dày có thể tạo ra các tác nhân gây ung thư.

Các loại thực phẩm nhiều chất bảo quản

Thịt cá đóng hộp, chế biến sẵn

Nấm phát triển trong thịt có thể gây ngộ độc thực phẩm, vì vậy các nhà sản xuất thường trộn thịt, cá với các chất bảo quản như nitrit.

Các chất bảo quản cũng giúp làm tăng hạn sử dụng của thực phẩm đóng hộp và giúp chúng có màu sắc bắt mắt hơn.

Một số đồ chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội - có thể chứa nhiều chất nitrit hơn các sản phẩm tươi sống. Vì vậy, nếu không quá bận rộn, bạn nên mua thức ăn tươi sống thường xuyên thay vì đồ hộp để đảm bảo không tiêu thụ quá nhiều chất bảo quản.

Thịt gia cầm

Gà là loài sống trong môi trường nhiều vi khuẩn.

Người nông dân cũng như các nhà sản xuất thịt sử dụng các sản phẩm chống vi khuẩn trên gà sống để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh như salmonella.

Sau khi giết mổ, gà lại được tiêm thêm chất bảo quản, bao gồm natri lactat và kali sữa. Mỗi chất bảo quản này giúp kéo dài hạn sử dụng của thịt gia cầm, cũng như chống lại vi khuẩn.

Hai chất bảo quản bromelain và ficin thường được sử dụng để làm mềm thịt.

Thịt bò

Các chất bảo quản thường được tiêm vào thịt bò để trông thịt tươi ngon hơn, một số loại thịt bò viên chế biến sẵn thì được thêm chất bảo quản để kết dính hơn.

Mứt, nước quả, thạch, bánh ngọt

Các loại thực phẩm này thường có nhiều đường, vì vậy dễ bị lên men, chua và hỏng. Chất bảo quản thực phẩm được thêm vào để ngăn chặn tình trạng này.

Hãy lựa chọn thực phẩm thông minh để đảm bảo bữa ăn lành mạnh cho gia đình 

Nhận diện chất bảo quản

Các chất bảo quản giữ thực phẩm khỏi bị hư hỏng và duy trì độ tươi, màu sắc và hương vị.

Các chất bảo quản bao gồm: axit ascorbic, axit xitric, natri benzoat, canxi propionat, vitamin E, BHA và BHT.

Calcium propionate là chất bảo quản hóa học được sử dụng trong pho mát. Axit xitric được sử dụng trong phó mát và nước trái cây đóng hộp.

Cơ quan nhà nước quản lý về thực phẩm thường bắt buộc nhà sản xuất đưa ‘Danh sách thành phần’ trên bao bì thực phẩm. Danh sách này phải bao gồm các chất phụ gia và chất bảo quản được sử dụng.

Để tránh các chất bảo quản thực phẩm nguy hại, bạn nên sử dụng sản phẩm hữu cơ (organic) và các sản phẩm rau quả, thịt tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng.

Phương Phương/giadinhmoi.vn