Twitter của một doanh nhân người Nhật Bản đang làm việc tại Hà Nội đang gây tranh cãi do bài viết mang tính phân biệt và miệt thị với tài xế Grab người Việt.
Theo Tổ quốc, một doanh nhân người Nhật có tên K.H - hiện đang là CEO một công ty tại Việt Nam đăng ảnh và twitter với nội dung miệt thị tài xế Grab người Việt khiến cư dân mạng thế giới phẫn nộ.
Nội dung K.H. đăng tải trên twitter như sau:
"Starbucks ở Hà Nội gần đây ngày càng ngày nhiều các lái xe Grabfood với bộ dạng bẩn thỉu lui tới.
Định nghĩa về không gian riêng tư mà Starbucks đang hướng tới đang dần bị phá vỡ, phía cửa hàng có lẽ nên xem lại thế nào đi thì hơn.
Không gian thư giãn với xu hướng cao cấp đồng nhất trên toàn thế giới đang dần mất đi đấy."
Sau chia sẻ này được đăng lên, đã khiến rất nhiều người phản ứng vì phát ngôn đầy tính miệt thị với ngành nghề của người khác. Tuy hiện tại K.H. đã để chế độ ẩn tài khoản của mình, nhưng hành vi của K.H. thì vẫn được chia sẻ và bàn tán rộng rãi.
Trang Sugoi thông tin thêm, công ty của K.H. làm về mảng nhân sự.
Cộng đồng Twitter Nhật Bản lên tiếng chỉ trích hành vi và thái độ của K.H.:
Tài khoản @Shigeboz nói: "Ngay cả khi ông chú kia bẩn bẩn tôi vẫn không cảm thấy khó chịu bằng sự "bẩn thỉu" này của anh".
@Tsurecure chia sẻ: "Tôi muốn đưa bạn từ Starbucks Việt Nam nổi tiếng ra toàn thế giới. Phát ngôn của bạn thật bốc mùi".
@Uerakento thắc mắc: "Một người coi thường các công việc khác, lại là CEO của công ty về công nghệ và nền tảng nguồn nhân lực toàn cầu à?".
@Uretachino bày tỏ: "Đây rõ ràng là một sự phân biệt nghề nghiệp, địa vị. Ở những nơi này, nếu trả tiền, mọi người đều bình đẳng. Không có trên dưới. Thật sự khó chịu với thái độ của anh".
@Seabmx gay gắt: "Đây có được gọi là phân biệt đối xử không nhỉ? Vậy tại sao bạn lại làm việc ở Việt Nam và thuê người Việt Nam làm việc cho bạn?".
Cộng đồng mạng Việt Nam cũng bày tỏ sự phẫn nộ với CEO này:
Bạn Phan Kim Thanh chia sẻ: "Dù gì tài xế shipper họ cũng chỉ đi mua cho khách đông nhất là vào giờ trưa, trời thì nắng như đóng đinh vào đầu, họ thì phải chạy vòng vòng giao hàng cho khách. Thế nên mình vào uống cà phê chủ động nhường các ghế gần quầy cho họ, mình vào sâu bên trong ngồi. Nếu các quán có ý định ngăn khu vực, nên viết một bảng là "Vui lòng chờ tại đây" chứ đừng ghi là "Cấm". Chữ "Cấm" nó không hay ho gì còn làm người vào uống thấy không thoải mái."
Bạn Kim Chi Nguyễn gay gắt hơn: "Ủa, từ khi nào Starbucks trở thành cao cấp vậy? Anh Nhật kia không biết Starbucks ở Việt Nam chỉ nhỉnh hơn quán cà phê bình thường đôi chút. Sinh viên Việt Nam ngày uống 3- 4 cốc trà sữa full topping mỗi ngày thì phải bằng 3 cốc Starbucks nhà anh. Chú Grab cũng có gia đình, con cái người ta mà thấy anh đăng hình cha mẹ mình lên mạng lời lẽ không hay thì anh xác định đi nhé."
Một bạn có tài khoản Facebook là Mèo Còi góp ý: "Mình không đồng ý với cách ứng xử của bác người Nhật này nhưng mình ủng hộ quán nên có khu vực delivery. Các anh Grab vào khu vực phục vụ khách uống tại chỗ cũng không phải xấu nhưng do các anh đi ngoài đường sẽ có bụi bẩn và mồ hôi, bước vào máy lạnh đôi khi gây khó chịu cho khách uống tại chỗ."