Cần phải làm gì để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam?

Nhiều giáo viên giảng dạy đồng nhất với đề xuất tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 và mong muốn xây dựng được cộng đồng học tiếng Anh.

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh (TA) là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.

Nhiều giáo viên giảng dạy đồng nhất với đề xuất này, cần nhiều thời gian để thực hiện và một trong những điều kiện tiên quyết là xây dựng được cộng đồng người sử dụng tiếng Anh thành thạo rộng khắp trên cả nước.

Gia Đình Mới xin chia sẻ một số ý kiến đáng chú ý: 

Cơ hội duy nhất để đất nước phát triển về mọi mặt

(Thầy Đào Tuấn Đạt, trưởng ban điều hành trường THPT Anhxtanh)

Đây là một đề xuất hay. Có thể nói đây là cơ hội duy nhất để đất nước phát triển về mọi mặt, giúp chúng ta đạt được những thành tựu khác về kinh tế, thương mại, giáo dục.

Dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, nguồn lực chưa thực sự tốt. Nếu không biết tiếng Anh nữa thì không thể đáp ứng được sự phát triển trong tương lai, sẽ kìm hãm tăng trưởng GDP. 

Điều quan trọng là khi tiếng Anh được công nhận là ngôn ngữ thứ 2 thì sẽ tạo ra phong trào học tiếng Anh phủ rộng trong cả nước.

Thầy Đào Tuấn Đạt

Khi đề xuất tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 đã được công nhận, việc triển khai cũng sẽ có những khó khăn và thuận lợi nhất định. Chúng ta có thể sẽ mất khoảng 10-20 năm thì mới có thể sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. 

Để đoàn tàu này chuyển bánh được cũng phải trải qua nhiều khó khăn và cần có chiến lược quốc gia để thực hiện điều này. Chúng ta cần phải có lộ trình rõ ràng, cụ thể về cách thức triển khai, khu vực nào triển khai đầu tiên, làm như thế nào, kinh phí ra sao…. 

Nhưng chúng ta cũng có thuận lợi với sự phát triển của internet giúp việc học tiếng Anh trở nên dễ dàng hơn. 

Với những trường học sinh có lực học mức trung bình trở lên, 90% trong số đó đều coi tiếng Anh bình đẳng như các môn khác, thậm chí trở thành môn quan trọng số một, ngang bằng với môn Toán. 

Trước đây chỉ có học sinh quan tâm tới việc học tiếng Anh thôi còn bây giờ, mức độ quan tâm của cá phụ huynh cũng rất lớn. Hiện nay, nhu cầu học tiếng Anh cực kỳ lớn lớn. Bằng chứng là trung tâm dạy tiếng Anh nở rộ và nhiều người đầu tư nghiêm túc cho việc học tiếng Anh. 

Lẽ ra nên làm từ ngày nước ta mở cửa hội nhập

(Thầy Nguyễn Tự Sánh, giảng viên trường ĐH Hà Nội)

Khẳng định việc tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 nên được làm từ ngày đất nước ta mở cửa hội nhập chứ không phải đến bây giờ mới có đề xuất. 

Lộ trình đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 sẽ mất nhiều công sức, và khó khăn ban đầu. Vì vậy, cần sự đồng ý của những người cấp cao nhất trong chính phủ, cần có chính sách phù hợp. 

Sau đó, bắt đầu đào tạo giáo viên từ giáo viên dạy trẻ nhỏ (3 - 6 tuổi), cho tới gv cấp 1, cấp 2, cấp 3, đại học đều phải biết, nhắm chắc ngôn ngữ này, phát âm chuẩn.

Thầy Nguyễn Tự Sánh và học viên của mình

Rồi xây dựng cộng đồng học tiếng Anh, tạo ra một số ảnh hưởng tích cực mà đầu tiên là tinh thần học tiếng Anh. 

Tinh thần học tiếng Anh sẽ lan tỏa tới nhiều học sinh, sinh viên, ngay cả các học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo có khả năng đi học. 

Những cộng đồng tiếng Anh này có giáo viên, trợ giảng nghiên cứu kỹ 1 looại tiếng Anh (Anh Anh, Anh Mỹ, Anh Úc, Anh Canada) và họ tìm ra vấn đề của rất nhiều giáo viên đứng tại nhà trường cấp 1, cấp 2, cấp 3.

Những Cộng Đồng này không áp dụng nhiều phương pháp truyền thống trong việc giảng dạy tiếng Anh, mà họ áp dụng một số phương pháp từ bản thân, từ những giáo sư, tiến sỹ hướng dấn sử dụng tiếng Anh thực.

Từ đó cái tâm lý học sinh sẽ ổn hơn rất nhiều, thích học hơn, và cạnh tranh tốt hơn với các bạn trong lớp. 

Cần xây dựng cộng đồng học tiếng Anh

(Lê Hà Vân, giáo viên một trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội)

Đây là một mục tiêu khá tham vọng những cũng là mục tiêu vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta muốn hội nhập. 

Tham vọng ở chỗ, một ngôn ngữ được hiểu là ngôn ngữ thứ 2 khi nó được sử dụng trong cả đời sống hàng ngày, trong khi nếu chỉ là ngoại ngữ thì sẽ hiếm khi sử dụng trong đời sống hàng ngày hơn.

Việc xây dựng được cộng đồng học tiếng Anh chính là bước đầu tiên để xây dựng thói quen sử dụng tiếng Anh hằng ngày. 

Cô Lê Hà Vân

Tiếng Anh là một công cụ vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong thời buổi hội nhập. Điều này được minh chứng khá rõ khi quan sát các thành phố du lịch, nơi có nhiều du khách nước ngoài. Ở những thành phố như vậy thì thường việc học và dạy tiếng Anh sẽ rất được chú trọng.

Việc học và dạy tiếng Anh hiện nay đã có nhiều biến chuyển khá tích cực. Điều này không thể không công nhận được.

Hiện nay, việc tiếp cận với những nguồn tài liệu về phương pháp học và phương pháp giảng dạy cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với cách đây 10 năm trước. Người học cũng có nhiều môi trường và cơ hội để luyện tập hơn. 

Tuy nhiên, điều này cũng gây ra một khó khăn đối với cả người daỵ và người học ở chỗ, vì có quá nhiều nguồn, đôi khi khá khó hoặc mất thời gian để tìm ra một nguồn tài liệu tham khảo đáng tin cậy.

Cũng chính vì lý do này mà có rất nhiều người học đang học ngoại ngữ với phương pháp chưa đúng, dẫn đến kết quả chưa được như mong đợi. Ngoài ra, tâm lý “học để thi, học để lấy bằng” vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến.

Với việc dạy và học như hiện nay thì sẽ phải mất thêm nhiều thời gian nữa để mọi người đưa tiếng Anh vào sử dụng trong đời sống hàng ngày khi giao tiếp.

Đúng đắn và trước sau gì cũng phải thực hiện

(Cô giáo Chu Thị Thuỳ Chi, giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại một trường cấp 3 ở Hà Nội)

Việt Nam đang hội nhập nên việc đề xuất công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 là quan điểm đúng đắn và trước sau gì cũng phải thực hiện.

Để một ngoại ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai, cần phải được sử dụng rộng rãi trên cả nước, bên cạnh tiếng mẹ đẻ và người sử dụng phải thành thạo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Cô Chu Thị Thuỳ Chi

Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này khó khả thi vì việc học tập, giảng dạy tiếng Anh tại các thành phố lớn còn đang là vấn đề nan giải. Giáo viên Tiếng Anh đang thiếu trầm trọng, cơ sở vật chất chưa đủ tốt, lớp quá đông học sinh… 

Hơn nữa, trong điều kiện cơ sở vật chất nhiều trường lớp học quá đông thì giáo viên khó có thể đảm bảo để có được những tiết học chất lượng.

Đa số học sinh thích hoặc phải thi, liên quan tới lợi ích cá nhân thì họ mới học tiếng Anh.

Vì vậy, trước hết phải tạo động lực cho học sinh yêu thích việc học tiếng Anh. Bên cạnh đó, giáo viên phải nỗ lực để nâng cao việc giảng dạy, học tập môn tiếng Anh hơn nữa.

Tú Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan