Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới đã trao đổi với thầy giáo Vũ Văn Duy, Giảng viên tiếng Anh - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tiếng Anh đã trở thành cầu nối quan trọng gắn kết Việt Nam với quốc tế.
Tiếng Anh là một công cụ đắc lực hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu, mở mang và cập nhật kiến thức hiện đại. Việc thành thạo tiếng Anh có thể giúp tiếp cận được những kiến thức cập nhật mới nhất từ những nghiên cứu khoa học trên thế giới để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Việc cập nhật này vô cùng quan trọng nếu chúng ta không muốn bị thế giới văn minh bỏ lại cách xa.
Trình độ tiếng Anh yếu kém sẽ là một bất lợi lớn trong thế giới đang vận hành theo xu hướng hội nhập, kết nối như hiện nay, nhất là với các bạn trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Bởi những lý do đó nên đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn Thanh niên Khởi nghiệp 2018 là một đề xuất hay. Nếu đề xuất được thông qua thì có thể sẽ có những tác động tích cực lên việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo thầy giáo Vũ Văn Duy, hiện nay nhiều bạn trẻ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học tiếng Anh dẫn đến không có động lực đúng đắn để học và tinh thần chủ động, tự học không cao, dẫn đến việc học tiếng Anh chưa thực sự hiệu quả.
Nhiều bạn còn băn khoăn về phương pháp học, chưa tìm được hướng đi đúng đắn trong học ngoại ngữ nên dễ nảy sinh tâm lý chán nản, nhanh chóng bỏ cuộc ngay từ khi chưa bắt đầu. Hay nhiều bạn học tiếng Anh xong nhưng không có môi trường hay cơ hội để sử dụng tiếng Anh nên theo thời gian trình độ tiếng Anh cũng sẽ mai một dần.
Về giáo viên, có một thực tế đáng buồn là không phải tất cả các giáo viên tiếng Anh các cấp hiện nay đã đạt chuẩn về trình độ tiếng Anh cũng như phương pháp giảng dạy, nhất là những địa phương không phải là thành phố lớn.
“Bản thân giáo viên chưa chuẩn trình độ dạy học sinh rất nguy hiểm, có thể dạy sai kiến thức và ảnh hưởng đến kiến thức các học sinh được học”, thầy giáo Vũ Văn Duy cho biết.
Còn về phương pháp giảng dạy nếu không phù hợp thì không tạo được động lực cho học sinh và không giúp học sinh đạt hiệu quả tốt nhất.
Từ góc độ nhà trường thì mức độ hỗ trợ cho việc dạy và học ngoại ngữ còn là một câu hỏi lớn. Nhiều nơi trang thiết bị dạy học vô cùng nghèo nàn, thiếu thốn, hay những nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động phát triển chuyên môn của giáo viên còn hạn chế, thậm chí là không có.
“Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ sau 8 năm thực không đạt được những kết quả như mong đợi là một trong những minh chứng cho những nan giải ở trên.
Những điều đó khiến cho đề xuất tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trở thành một bài toán khó mà muốn tìm lời giải sẽ cần phải đi qua nhiều công đoạn, gỡ được nhiều nút thắt hiện tại”, vị chuyên gia cho biết.
Thầy giáo Vũ Văn Duy chia sẻ, để tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực từ nhiều phía mà đơn thuần nếu chỉ một chính sách nằm trên giấy sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Về môi trường để sử dụng tiếng Anh thì thực tế có thể thấy tiếng Anh vẫn chỉ là một ngoại ngữ ở Việt Nam, có thể xuất hiện nhưng không thường trực trong cuộc sống hàng ngày.
“Muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai thì phải biến tiếng Anh thành một ngôn ngữ được sử dụng thực sự phổ biến, được sử dụng rộng rãi trên cả nước, từ các trường học đến các cơ quan, doanh nghiệp.
Đặc biệt ở các cơ sở giáo dục nếu đẩy mạnh được những chương trình giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh thì cũng sẽ góp phần giúp tiến gần hơn đến mục tiêu biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.
Về việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam cần nhiều thay đổi tích cực. Cần chuẩn hoá chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp, yêu cầu chặt chẽ về trình độ tiếng Anh và cả phương pháp giảng dạy.
Giáo viên sẽ là một trong những yếu tố nòng cốt, vậy nên bên cạnh đó cũng cần có những chính sách hỗ trợ, đãi ngộ phù hợp để giáo viên tâm huyết với nghề và tập trung phát triển chuyên môn”, thầy Vũ Văn Duy chia sẻ.
Các cơ sở giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh, cần tạo những điều kiện tốt nhất cho cả người dạy và người học để việc dạy và học có hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, theo chuyên gia, những chương trình phát triển chuyên môn, trau dồi kiến thức kĩ năng giảng dạy là vô cùng thiết yếu. Rất nhiều giáo viên được đào tạo sư phạm đã lâu, những kiến thức họ được học đã lỗi thời, có thể không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại nên họ cần tham gia những chương trình như vậy để làm mới kiến thức của mình, cải thiện phương pháp giảng dạy của mình.
Đối với người học thì cần có những tác động tích cực lên tâm lý người học, tạo động lực cho người học, nâng cao tinh thần tự chủ trong học tiếng Anh và có cả những định hướng đúng đắn, khoa học về việc học tiếng Anh.
Có thể sẽ là một lộ trình dài và nhiều khó khăn, nhưng cân nhắc những mặt lợi của việc tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì hoàn toàn xứng đáng để tất cả cùng chung sức đồng lòng.
Thầy giáo Vũ Văn Duy:
- Nghiên cứu sinh Ngôn ngữ học - Đại học KU Leuven (Bỉ)
- Thạc sỹ Ngôn ngữ học Ứng dụng và Giảng dạy tiếng Anh (loại Giỏi) - Đại học Lancaster (Anh Quốc)
- Giảng viên tiếng Anh - Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
- Thành viên của Hiệp hội Ngôn ngữ học Ứng dụng Anh Quốc
Thành tích:
- Học bổng Tiến sỹ toàn phần - Đại học KU Leuven (Bỉ)
- Học bổng Thạc sỹ 100% - Đại học Lancaster (Anh Quốc) (suất học bổng duy nhất của Khoa dành cho sinh viên quốc tế)
- Từng thuyết trình tại những hội thảo về ngôn ngữ và giảng dạy của Hiệp hội Ngôn ngữ học Ứng dụng Anh Quốc và tại Đại học Cambridge (Anh).
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai: Đề xuất hay nhưng là bài toán khó! tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].