Đứa trẻ không tự hỏi nó có muốn đến thế giới này không. Hãy để con lớn lên thành một người tự do, không đeo bám ai và cũng đừng để mình đeo bám con.
Đôi khi những sự áp đặt và can thiệp quá sâu khiến một đứa trẻ không thể nào lớn lên được thực sự, bên cạnh đó chúng còn không học được cách tôn trọng chính mình. Bởi vì con không thể.
Một đứa trẻ sẽ học cách tôn trọng bản thân và người khác như thế nào? Nếu như chúng không biết và không cảm nhận được gì về sự tôn trọng?
Vậy hãy tìm hiểu xem sự tôn trọng của một đứa trẻ được xây dựng trên cơ sở nào.
Đầu tiên, hãy nhớ là, con không nợ bạn bất kỳ điều gì
Con không nhất thiết phải vâng lời răm rắp, phải đạt thành tích cao, không phải có trách nhiệm khi bạn già đi.
Sinh con ra là quyết định của cha mẹ. Chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ một đứa trẻ cho tới ít nhất là 18 tuổi. Đó là luật dành cho cha mẹ.
Đứa trẻ không tự hỏi nó có muốn đến thế giới này không. Hãy để con lớn lên thành một người tự do, không đeo bám ai và cũng đừng để mình đeo bám con.
Hãy chấp nhận, thảo luận, tìm giải pháp và tôn trọng chúng. Nếu bạn không tôn trọng con, con cũng sẽ không tôn trọng bạn.
Tất nhiên điều này không có nghĩa là một đứa trẻ có thể làm những gì mình muốn và không cần biết điều. Gia đình cần có quy tắc, luật lệ. Chúng rất cần thiết và những quy tắc cần phải rõ ràng, dễ hiểu với trẻ. Đặc biệt, nếu đó là quy tắc chung thì toàn bộ các thành viên trong gia đình phải tuân theo.
Ví dụ “Ở nhà mình mình sẽ không ăn kẹo thay cho bữa sáng” hoặc “Mình sẽ luôn rửa tay sau khi ra ngoài về”, hay “Sang đường thì con phải nắm tay mẹ”.
Thứ 2, con cũng có quyền đối với tài sản của cha mẹ
Ngay cả khi cha mẹ bị tước quyền làm cha mẹ, thì đứa con vẫn được nhận một phần tài sản trong tài sản thừa kế. Vì vậy, con là một thành viên trong gia đình và ngôi nhà không phải là ngôi nhà của riêng bạn, mà còn là của con nữa.
Con nên có một không gian riêng của mình trong ngôi nhà. Nếu nó không thể là một căn phòng riêng thì nó cũng có thể là một góc nào đó trong phòng. Nếu con được cho đồ chơi, thì đó là sở hữu của con.
Chúng ta cần cho phép trẻ tự quản lý một số tài sản của riêng chúng. Như vậy, con sẽ học được cách tôn trọng và trân trọng những gì mình đang có. Từ đó, con sẽ cẩn thận hơn trong mọi việc, tự tin hơn vì được bố mẹ tin tưởng.
Đứa trẻ làm hỏng đồ chơi, mất mũ ở trên đường… đó là những thứ của con và con phải tự đối mặt với những hậu quả tự nhiên của hành động. Con có thể khó chịu, nhưng bố mẹ sẽ ở đó. Bố mẹ sẽ an ủi con, thấu hiểu con, thay vì chỉ nói “Mẹ đã nói với con bao lần rồi”.
Con cũng phải có quyền lựa chọn và tham gia ý kiến. Chẳng hạn như việc quyết định chiếc quần con muốn mua là gì, nhà mình sẽ nuôi con gì… Từ những việc nhỏ, con sẽ có thể dám bày tỏ ý kiến và mong muốn của mình ở những việc lớn lao hơn.
Thứ 3, kẻ thù tồi tệ nhất của lòng tự trọng là sự xấu hổ
Khi ai đó làm cho đứa trẻ xấu hổ, con sẽ học được về sự bị làm nhục. Thay vì “Con làm mẹ xấu hổ khi làm như vậy”, hãy nói “Mẹ không thích (hoặc không hài lòng) khi con nói chuyện với mẹ như vậy”.
Một đứa trẻ cũng có thể cảm thấy nhục nhã khi bị la mắng, bỏ mặc cảm xúc, không có chính kiến, bị quát nạt, không bao giờ nhận được lời xin lỗi và tất nhiên… cả khi chúng bị đánh.
Khi đứa trẻ cảm thấy bất công với chính mình, khi con cảm thấy bị xúc phạm bởi cha mẹ, mỗi lần thấy mình không xứng đáng, sai trái, không có khả năng tự vệ, đáp trả… con học được rằng bản thân mình là không quan trọng, không có giá trị. Con không biết tôn trọng và yêu thương chính bản thân mình.
Và đừng bao giờ ép trẻ làm những điều chúng không muốn như xin lỗi, chào hỏi, ôm người khác, chia sẻ đồ của chúng hoặc phải làm bạn với ai đó.
Phát triển ý thức về giá trị bản thân là một điều vô cùng quan trọng ở một đứa trẻ. Hãy cho con biết từ những năm còn bé thơ rằng con không phải chỉ có trách nhiệm tuân theo các quy tắc nhất định mà còn có các quyền khác nữa: quyền được sống quyền được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được yêu thương, che chở, được chấp nhận con là chính mình, được làm theo ý kiến của mình.
Chỉ có như vậy, con mới lớn lên và trở thành một người mạnh mẽ, độc lập.
Vậy nên bố mẹ ạ, chúng ta hãy cố gắng yêu thương và tôn trọng bản thân, con cái và yêu thương, tôn trọng lẫn nhau nữa nhé!
Linh Phan/ Parenting Expert
Minh họa: João Fazenda