Tham khảo cách bày mâm ngũ quả ngày Tết và ý nghĩa của từng loại quả trên mâm ngũ quả sau đây.
Có thể nói trong văn hóa của người Việt, ngoài hoa đào, hoa mai thì mâm ngũ quả cũng là hình ảnh biểu trương cho tết.
Dịp cận Tết Nguyên Đán, các gia đình chuẩn bị mâm ngũ quả chu toàn và đẹp mắt, dâng cúng gia tiên và các vị thần linh với niềm tin vào một năm mới an khang thịnh vượng, thuận hòa êm ấm.
Mâm ngũ quả gồm 5 loại quả khác nhau, đặt trên bàn thờ một cách trang trọng và có những ý nghĩa rất đặc biệt. Mỗi loại quả lại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ.
Trên mâm ngũ quả, người ta thường chọn 5 loại quả tương ứng với 5 màu sắc của các hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.
Màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, thường là các loại quả như hồng, táo tây, thanh long.
Màu trắng tượng trưng cho hành Kim, các gia đình thường chọn roi, mận, lê.
Màu xanh tượng trưng cho hành Mộc, thường là các loại quả như chuối xanh, đu đủ xanh, mãng cầu, quả na, sung, dừa, dưa hấu.
Màu nâu đất, màu vàng tượng trưng cho hành Thổ như xoài chín, bưởi, phật thủ chín, quýt vàng, cam vàng.
Màu đen tượng trưng cho hành Thủy, có thể chọn những loại quả như nho đen hoặc các quả có màu tối, sậm.
Ngoài ra, từ “ngũ” trong mâm ngũ quả còn thể hiện ước muốn của người Việt đạt được ngũ phúc lâm môn: Phúc, quý, thọ, khang, ninh (giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên).
Tùy từng văn hóa vùng miền và đặc trưng về khí hậu, sản vật, mà các gia đình chọn các loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả.
Mâm ngũ quả ngày tết cổ truyền của người miền Bắc thường bao gồm: chuối, dưa hấu (màu xanh); bưởi, phật thủ, cam, quýt hoặc quất (màu vàng); hồng, ớt hoặc táo tây (màu đỏ); đào hoặc lê (màu trắng); mận hoặc nho (màu đen).
Ý nghĩa của từng loại quả trên mâm ngũ quả như sau:
Chuối: Có ý nghĩa thể hiện sự chở che, bảo vệ của trời đất cho con người, mong ước gia đình luôn thuận hòa, đầm ấm, yêu thương và mãi ở bên nhau.
Cam, quýt, quất, hồng: Thể hiện sự may mắn
Qủa lê, đào: Tượng trưng cho sự thăng tiến, thành đạt
Quả sung: Mong ước sự sung túc, no ấm
Người miền Nam bày mâm ngũ quả với quan niệm “Cầu – Sung - Dừa - Đủ - Xài” cũng là từ nói lái của các loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.
Mâm ngũ quả được biện đẹp mắt với mong ước cuộc sống luôn đầy đủ, sung túc, con cháu đầy đàn. Ngoài ra, người miền Nam thường kiêng kỵ một số loại trái không bày trên mâm cúng, do tên gọi của chúng không đem lại may mắn như:
Chuối: đọc gần giống “chúi” làm ăn không lên được
Táo (bom), lê: Đổ bể, làm ăn thất bại
Quýt, cam: Quýt làm cam chịu
Khác với người miền Bắc và miền Nam, người miền trung có cách trình bày mâm ngũ quả ngày tết rất đơn giản, bình dị. Họ không kiêng kị cam quýt như người miền Nam và cũng không quá chú ý đến yếu tố ngũ hành như người miền Bắc.
Qua đó cũng thể hiện phần nào tính cách rất bình dị, đơn giản của họ. Mâm ngũ quả trên bàn thờ chỉ cần tươi ngon, đẹp mắt thể hiện lòng thành của con cháu dâng lên tổ tiên.
– Bưởi: phúc lộc, viên mãn
– Thanh long: rồng mây hội tụ
– Dưa hấu: tốt đẹp, viên mãn, trung thực
– Đu đủ: đầy đủ, thịnh vượng
– Mãng cầu: cầu chúc mọi điều như ý
– Dứa (thơm): thơm tho, đa phúc lộc
– Hồng: hồng hào, tươi tốt, tượng trưng cho sự thành đạt
– Lựu: đa phúc, đa lộc, con đàn cháu đống
– Phật thủ: bàn tay Phật che chở phù hộ cho con người
– Chuối: tượng trưng cho bàn tay ngửa, hứng lấy may mắn, bao bọc và che chở
– Dừa: viên mãn
– Xoài: tiêu xài không thiếu thốn
– Quất: sung túc, lộc lá
– Đào: sự thăng tiến, danh lợi
Trên đây là hướng dẫn cách bày mâm ngũ quả ngày Tết. Chúc bạn chọn mua được loại quả phù hợp và đẹp nhất cho mâm ngũ quả dâng lên gia tiên và các vị thần linh.