Hai kịch bản thi THPT quốc gia 2020 được Bộ GD&ĐT đưa ra trình Chính phủ, có cả tình huống không tổ chức kỳ thi này.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngyễn Hữu Độ cho biết, phương án thứ nhất: Nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8.
Vì sau khi kết thúc năm học vào ngày 15/7, học sinh cuối cấp còn gần một tháng để ôn tập trước khi thi, bằng thời gian được ôn những năm trước.
Mặt khác, từ khi có hướng dẫn dạy học trực tuyến và qua truyền hình của Bộ hôm 25/3, các trường đều dạy và học theo phương thức này. Nếu tính từ 15/4 - thời gian các trường dạy học trực tuyến, trên truyền hình (một số nơi triển khai sớm hơn), cộng với thời gian dạy học trực tiếp khi học sinh quay lại trường (muộn nhất là 15/6) thì vẫn đủ thời gian để hoàn thành chương trình năm học.
Theo ông Độ, nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia, phương thức cơ bản như năm 2019, nhưng xem xét giảm số môn thi. Hiện chương trình học kỳ II của lớp 12 đã được tinh giản từ 19 tuần xuống có thể hoàn thành trong 10 tuần, trong đó học sinh đã học hai tuần trước Tết.
"Bộ khẳng định nội dung tinh giản sẽ không có trong đề thi và sẽ giảm nhẹ thêm yêu cầu với học sinh", ông Độ nói.
Phương án thứ 2: Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, vì lý do bất khả kháng, Bộ GD&ĐT tính toán đến phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.
Ông Độ cho biết sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép việc này để phù hợp với Luật Giáo dục.
Ghi nhận của PV Gia Đình Mới, khi trên các diễn đàn giáo dục có sự tranh luận về việc nên hay không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do ảnh hưởng dịch COVID-19, thì xảy ra tình trạng nhiều học sinh có tâm lý xao nhãng học hành, trông chờ vào việc không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Cô giáo Đặng Thị Hồng (Cầu Giấy) cho biết: "Sau 1 thời gian vất vả để rèn luyện học sinh học tập online, trực tuyến nghiêm túc, thì mấy ngày nay có ý kiến đề nghị bỏ Kỳ thi THPT quốc gia. Trước thông tin này, có 1 số học sinh xao nhãng, thiếu tập trung học. Giáo viên chúng tôi lại phải làm công tác tư tưởng cho các em. Tâm lý hiện nay của học sinh học kém thì mong bỏ kỳ thi, còn học sinh học tốt thì mong tổ chức thi để phân biệt chất lượng".
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường cao đẳng, đại học Việt Nam cho rằng: Học sinh không nên có thái độ, tâm lý thụ động trong học tập bởi sẽ dẫn tới kết quả thi không đạt. Tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song Bộ GD&ĐT đã đưa ra các phương án học tập online, rồi tinh giản chương trình để phù hợp với tình hình. Chương trình rút gọn của Bộ vẫn đảm bảo kiến thức cốt lõi. Học sinh cần tập trung ôn tập đúng tiến độ, kế hoạch để không bị động trong kỳ thi sắp tới.