Bạo hành vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ bên trong cánh cửa bởi chính những người chăm sóc trẻ

Thời gian gần đây, hàng loạt những vụ bạo hành trẻ nhỏ diễn khiến dư luận một lần nữa thêm lo lắng. Bởi việc bạo hành trẻ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và nguy hiểm cho sự hình thành nhân cách.

Với trẻ bị bạo hành, những tổn thương về mặt tinh thần rất khó kiểm định.

Khoảng 2.000 trường hợp trẻ bị bạo hành mỗi năm…

Một vụ việc gần đây nhất là cháu K. bất ngờ tìm về nhà nội ở đường Hoàng Hoa Thám (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) trong tình trạng hoảng sợ, sút cân trầm trọng đến nỗi không ai có thể nhận ra cháu.

Ngay sau đó, cháu bé được người thân đưa đi bệnh viện kiểm tra sức khỏe, tâm lý. Kết quả cho thấy cháu bé bị tổn thương nghiêm trọng về sức khỏe.

Theo lời kể của cháu K. thời gian ở với bố đẻ và mẹ kế, cháu thường xuyên bị đánh. Cơ quan điều tra - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự và thực nghiệm hiện trường đối với bố cháu bé là Trần Hoài Nam (sinh năm 1983, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) để điều tra.

Hay trước đó, vụ việc hàng loạt trẻ nhỏ bị chính các cô ‘bảo mẫu’ tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh (Quận 12, TP HCM) bạo hành.

Và dù pháp luật đã quy định xử phạt rõ ràng về việc bạo hành trẻ nhưng tình trạng này vẫn đang là vấn đề nhức nhối chưa đến hồi kết.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao Động Thương Binh & Xã Hội) cho hay: ‘Mỗi năm nước ta có khoảng 2.000 trường hợp trẻ bị bạo hành, xâm hại được ghi nhận.

Nhưng đây chỉ là những trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ ở mức độ nặng mà thôi, còn rất nhiều những vụ việc bạo hành trẻ nhỏ khác đang diễn ra từng ngày từng giờ ở những mức độ khác nhau’.

Hơn thế nữa, những vụ việc trong thời gian qua được báo chí phát hiện, người dân biết đến thì đó mới chỉ là một phần, còn rất nhiều hành vi bạo lực trẻ em khác vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong các gia đình, trường học. Và việc này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia.

Lý giải về việc trẻ bị bạo hành như hiện nay, ông Nam cho rằng: ‘Các hành vi bạo lực xâm hại trẻ em phần lớn do những người chăm sóc trẻ gây ra nên sự việc có thể xảy ra phía trong mỗi căn nhà, phía sau mỗi cánh cửa ngôi nhà nên việc phát hiện, can thiệp là một câu chuyện không đơn giản’.

Việc bạo hành có thể khiến trẻ bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng.

... ám ảnh đến suốt cuộc đời

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng của bạo hành đến tâm lý trẻ, Thạc sỹ Đào Lê Hòa An, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết: ‘Việc bạo hành có thể khiến trẻ bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Bé có thể sẽ bị ám ảnh, khi ngủ thì mơ thấy những cơn ác mộng về việc bị hành hạ.

Từ những hoạt động trong cuộc sống luôn khơi gợi lại những hình ảnh bị bạo lực, đó là những hình ảnh có thể ám ảnh suốt đời.

Cháu bé sẽ tự ti trong cuộc sống, sống khép mình, đóng cửa tâm hồn, không bộc lộ những cảm xúc với người khác, không tự tin với bản thân mình.

Thạc sỹ Đào Lê Hòa An cũng phân tích, nhiều người có suy nghĩ rằng mình sinh con ra nên có toàn quyền quyết định về số phận cuộc đời của con.

Tuy nhiên phụ huynh không biết rằng những hành động sử dụng bạo lực như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tinh thần của con.

Đôi khi chỉ là vô tình nóng giận mà trút những hành vi bạo lực lên con thì sẽ để lại di chứng, những vết thương khó có thể phai mờ trong tâm trí của trẻ.

Còn theo Tiến sỹ Diêu Lan Phương, giảng viên trường ĐH KHXH & NV, đứa trẻ bị bạo hành không chỉ bị ảnh hưởng trầm trọng đến tâm sinh lý mà còn nguy hiểm cho sự hình thành nhân cách.

Trẻ em bị bạo hành dễ có phản ứng tiêu cực và xu hướng bạo lực hơn những đứa trẻ khác, chúng dễ xem việc bạo hành là bình thường và hành xử theo suy nghĩ ấy.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao Động Thương Binh & Xã Hội).

Bạo hành trẻ bao giờ kết thúc?

Những ảnh hưởng của việc bạo hành trẻ về sức khỏe, tâm lý là hết sức rõ ràng, thế nhưng cho đến nay tình trạng này vẫn từng ngày từng giờ diễn ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết những vụ bạo hành trẻ xảy ra đều do những người thân cận, thường xuyên chăm sóc trẻ bạo hành. Do vậy, việc phát hiện và xử lý vẫn là điều khó khăn.

Cụ thể, theo ông Nam chia sẻ: ‘Ngoài câu chuyện về pháp luật, thì chúng ta phải tiến hành rất nhiều biện pháp về giáo dục và thay đổi các hành vi trong mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em.

Trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quản lý chất lượng nhà nước và các cơ quan tư pháp đã được quy định rất cụ thể trong các bộ luật và luật khác nhau vấn đề là chúng giám sát, đánh giá, kiểm soát chất lượng như thế nào?

Trong Luật Hình sự và Luật Hành chính cũng đã quy định hành vi xâm hại trẻ em luôn được áp ở khung hình phạt cao, xâm hại trẻ em luôn bị coi là tình tiết tăng nặng’.

Cũng theo ông Nam, để phòng ngừa và hạn chế những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em thì đây là một quá trình kiên trì. Bao gồm các biện pháp giáo dục về pháp luật, giáo dục về kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, kiến thức, kỹ năng cho những người bảo vệ, chăm sóc trẻ em….

Điều cần làm lúc này là phải truyền thông và giáo dục mạnh mẽ về mặt pháp luật để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là về quyền trẻ em.

Và trước mắt phải thí điểm về mặt giáo dục, bởi quy định cũng như hình thức xử phạt những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ được quy định khá cụ thể và rõ ràng.

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan