Thời tiết nắng nóng là thời điểm trẻ dễ bị mắc bệnh do sức đề kháng non yếu. Do đó, vào mùa hè nắng nóng, cha mẹ cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.
Thông thường, hàng năm vào thời điểm này trẻ chuẩn bị được nghỉ hè. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên lịch học của học sinh bị thay đổi nhiều, trẻ vẫn phải đi học.
Trẻ đi học vào đúng thời điểm nắng nóng, có những ngày nhiệt độ lên tới 39 - 40 độ C và đây chính là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh tấn công trẻ, khiến trẻ dễ bị ốm.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, vào những ngày nắng nóng trẻ dễ mắc những vấn đề về sức khỏe, bị mệt mỏi, sốt… do mắc một số bệnh phổ biến sau:
Viêm đường hô hấp: Thời tiết oi bức làm bùng phát những căn bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm mũi xuất tiết, viêm amida, viêm VA… hầu hết nguyên nhân gây bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi là do nhiễm siêu vi trùng.
Khi bị bệnh trẻ thường bị sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, thậm chí nhức đầu, buồn nôn, nôn… khiến trẻ mệt đừ và khó ăn uống.
Một số trường hợp có thể do bị nhiễm vi khuẩn, thường gặp nhất là vi khuẩn Haemophilus influenzae típ b (viết tắt Hib) và phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumonia), khi thấy trẻ bệnh phụ huynh nên sớm đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm: Mùa nóng là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy, nhất là tiêu chảy cấp. Nguyên nhân là do nắng nóng thức ăn dễ bị hư thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy, trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước giải khát không đảm bảo vệ sinh khi mùa nắng nóng.
Ngộ độc thức ăn cũng thường xảy ra khi thời tiết nắng nóng. Nếu thức ăn không được bảo quản kỹ, đúng cách và việc chế biến thức ăn cho trẻ không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm, nhất là tại bếp ăn tập thể tại trường học.
Nhiễm siêu vi: Nắng nóng và ẩm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển và khiến trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khuẩn. Khi chẳng may bị nhiễm siêu vi trẻ sẽ bị sốt, phát ban, nhức đầu, nhức mắt, biếng ăn, mệt mỏi hay lừ đừ vì trẻ thường bị sốt cao, một số trẻ có biểu hiện như buồn nôn hay nôn rất nhiều khiến cha mẹ rất lo lắng…
Nếu trẻ nhiễm siêu vi thông thường thì bệnh có thể tự khỏi trong 5 – 7 ngày nếu được theo dõi và chăm sóc tốt. Tuy nhiên cũng có một số siêu vi nguy hiểm có thể gây hại cho trẻ cần chú ý như siêu vi gây bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, siêu vi cúm, thủy đậu…
Để trẻ luôn được mát mẻ, thoải mái trong những ngày nắng nóng cũng là cách giúp con phòng tránh được nguy cơ bệnh tật.
Để làm được điều này, PGS.TS Nguyến Tiến Dũng khuyến cáo, khi trẻ đến trường cần có biện pháp chống nóng cho trẻ bằng việc đội mũ, nón, đi ô,…
Trẻ ở trường học cần có hệ thống chống nóng, nếu có điều kiện thì dùng máy lạnh, điều hòa, không có điều kiện thì dùng quạt, không có quạt thì phải bố trí sao cho lớp học thật thoáng mát, có gió lùa để trẻ học tập hiệu quả hơn.
“Theo tôi, vào mùa nắng nóng, nếu được các trường nên thay đổi giờ học của trẻ một chút để tránh nắng nóng. Ví dụ buổi sáng có thể học sớm hơn một chút để trưa các bé được tan sớm. Hoặc buổi chiều vào muộn hơn thì lúc tan tầm sẽ không còn ánh nắng gắt, sức khỏe của trẻ sẽ được đảm bảo.
Bên cạnh đó, mỗi lớp học phải bố trí nước uống đầy đủ cho học sinh. Vì trẻ nhỏ chạy nhảy nhiều sẽ dễ bị mất nước mà khi bị mất nước cũng là lúc cảnh báo cơ thể đang rất mệt mỏi.
Trẻ nhỏ thường hiếu động, mải chơi quên uống nước. Vậy nên cha mẹ, thầy cô nên nhắc các cháu thường xuyên, khoảng 30 phút là uống nước 1 lần, chưa khát cũng uống và nên chia thành nhiều lần uống với lượng nhỏ để đảm bảo cơ thể đủ nước mà cơ thể lại luôn mát mẻ.
Tránh để trẻ khát khô cổ mới uống thật nhiều nước hoặc vừa đi nắng hay hoạt động mạnh về rồi uống ngay một cốc nước lớn, như vậy sẽ rất hại sức khỏe” – Bác sĩ Dũng lưu ý.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung dinh dưỡng cho trẻ trong những ngày nắng nắng. Nhiều người cứ nghĩ mùa đông mới cần ăn nhiều vì tốn năng lượng, nhưng thực tế mùa hè cũng rất cần bổ sung các chất dinh dưỡng. Không nên để các trẻ bỏ bữa hay nhịn ăn.
Nắng nóng gây mệt mỏi làm trẻ chán ăn nên cha mẹ cần tăng cường thay đổi các loại thực phẩm, nấu các món lỏng, mát, kèm rau xanh, sữa hoặc nước hoa quả để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.
Những loại nước uống giàu vitamin và khoáng chất như nước cam tươi, chanh tươi, nước dừa tươi… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và có sức đề kháng tốt nhằm chống chọi với bệnh tật.
Đồng thời, cần tạo cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín uống sôi, môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, an toàn… nhằm hạn chế sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch cho trẻ cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng.