'Mỗi ngày tôi đều tận mắt chứng kiến hình ảnh mọi người hút thuốc lá khắp nơi, điều tồi tệ hơn nữa đó là việc dường như cả những người đang cầm điếu thuốc cũng chưa ý thức hết được sự khủng khiếp của khói thuốc…’
Đó là chia sẻ của bác sĩ Trần Quốc Khánh (Khoa Phẫu thuật cột sống - Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) trên trang facebook cá nhân và fanpage của mình (https://www.facebook.com/cotsongkhoe/), để khuyến cáo mọi người về những tác hại khủng khiếp mà thuốc lá đang ‘tàn phá’ cơ thể bạn, thậm chí người thân của bạn mỗi ngày.
Bác sĩ Trần Quốc Khánh cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới thống kê, cứ 6 giây lại có một người chết vì thuốc lá, và mỗi năm có khoảng 600 ngàn người chết vì hút thuốc lá thụ động từ người khác.
Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại…
Điều đáng buồn nữa là gần 80% trong số những người chết vì thuốc lá sống ở những đất nước nghèo hoặc đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Thực sự, tác hại của thuốc lá không đơn giản chỉ dừng lại ở các bệnh lý ở phổi. Với khoảng 200 hoá chất có hại khác nhau có trong mỗi điếu thuốc, nó đang từng giờ giết chết cơ thể bạn ở hầu hết các cơ quan, bộ phận.
Dưới đây là 10 khuyến cáo về tác hại khủng khiếp của thuốc lá được bác sĩ Khánh đưa ra, với mong muốn những người đang hút thuốc lá hãy dừng lại khi chưa quá muộn, vì sức khoẻ của chính mình và những người thân yêu.
1. Thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều loại ung thư: Ung thư phổi, ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư miệng, ung thư thận và bàng quang, ung thư hậu môn trực tràng, ung thư bộ phận sinh dục…
90% số trường hợp ung thư phổi trên thế giới là người hút thuốc trực tiếp và 5% số ca ung thư phổi là gián tiếp.
Những người không hút thuốc mà kết hôn với người hút thuốc, tỷ lệ chết vì ung thư phổi cao hơn 20% so với người kết hôn với người không hút thuốc
2. Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên gấp 2 - 3 lần. Khói thuốc có thể gây ra loạn nhịp tim, gây tăng huyết áp.
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch máu ngoại vi, tai biến mạch máu não…
Ngoài ra, hút thuốc còn làm giảm tác dụng của các thuốc điều trị tăng huyết áp.
3. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Hút thuốc không gây cơn hen nhưng làm cho bệnh hen nặng lên, tỉ lệ tử vong ở người bị hen đang hoặc đã từng hút thuốc thì tăng gấp trên 2 lần so với những người không hút thuốc.
Những người hút thuốc hay bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn những người không hút thuốc và thường bị nặng hơn.
4. Thuốc lá tăng nguy cơ loét dạ dày, hành tá tràng. Với người trung niên, thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng loãng xương sớm.
5. Vùng đầu mặt cổ: Thuốc lá gây tăng nguy cơ đục thuỷ tinh thể, giảm thính lực, tăng nguy cơ sâu răng.
6. Thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng vẩy nến ở da, làm xấu đi và biến dạng móng tay chân, tăng các nếp nhăn ở ngoài da.
7. Với riêng nam giới, thuốc lá làm biến dạng tinh trùng từ trong cấu trúc AND, giảm tưới máu cho dương vật. Từ đó làm tăng nguy cơ dị dạng thai nhi, giảm khả năng sinh dục và sinh sản.
8. Với phụ nữ, thuốc lá làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non, trẻ đẻ thiếu cân, các dị tật bẩm sinh ở trẻ em.
9. Với trẻ em, hít phải khói thuốc có nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, viêm tai giữa, tăng nguy cơ lên cơn hen và mức độ nặng của bệnh hen. Con của những người hút thuốc thường có khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi và giảm khả năng học tập.
10. Thuốc lá cũng được ghi nhận là một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh Buergers, đó là tình trạng viêm tắc huyết khối các mạch máu, dẫn đến viêm loét hoại tử các đầu tay chân.
Bỏ thuốc lá không bao giờ là quá muộn
Hút thuốc lá dù chủ động hay thụ động đều sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan, bộ phận trên cơ thể. Do đó, việc bỏ thuốc lá sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người xung quanh.
Theo PGS.TS Phan Thu Phương (Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai) cách điều trị nghiện thuốc lá hiện nay là sử dụng các biện pháp hỗ trợ bao gồm:
- Phương pháp can thiệp hành vi: hướng dẫn người cai thuốc lá những kế họach, chiến lược giải quyết những tình huống khó khăn, khó chịu khi cai thuốc lá, tránh những ‘cạm bẫy’ khiến người hút thuốc lá tái nghiện.
- Phương pháp điều trị bằng thuốc: nicotine thay thế, bupropion, varenicilline giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu của hội chứng cai thuốc lá trên người nghiện thực thể - dược lý.
- Phương pháp kết hợp hành vi và bằng thuốc.
Bệnh nhân có thể cảm nhận ngay được lợi ích từ việc bỏ thuốc lá đó là cơ thể phục hồi rất sớm ngay sau khi bỏ thuốc:
- 1-9 tháng: Các triệu chứng như ho, tiết dịch nhầy, mệt mỏi, khó thở giảm. Nhung mao của tế bào niêm mạc phế quản trở lại hoạt động bình thường. Giảm tốc độ suy chức năng thông khí đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- 1-2 năm: Nguy cơ bị nhồi máu cơ tim giảm 20-50%. Giảm tỷ lệ bệnh tái phát và tăng tỷ lệ thành công trong điều trị, phẫu thuật mạch vành.
- 5 năm: Nguy cơ bị đột quỵ giảm tới mức như người không hút thuốc sau 5-15 năm cai thuốc.
- 10 năm: Nguy cơ bị chết do ung thư phổi giảm một nửa so với người tiếp tục hút; các nguy cơ bị ung thư miệng, họng, thực quản, bàng quang, thận, tuỵ cũng giảm như vậy. Tốc độ phát triển, di căn của ung thư chậm hơn so với người hút thuốc. Nguy cơ nhồi máu cơ tim trở về như người không hút.