Bà Thái Hương: Đức tính của người mẹ giúp doanh nghiệp nữ chủ đứng vững trong đại dịch

Bà Thái Hương - Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam , Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á chia sẻ, nữ doanh nhân có điểm mạnh hơn so với nam giới đó là sự chu đáo, bao dung, uyển chuyển, đặc biệt là tấm lòng người mẹ trong ứng xử với nhân viên, đồng nghiệp và cả trong nhiều quyết định kinh doanh.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp nữ chủ nhanh chóng bắt nhịp với chủ trương, quyết sách của Chính phủ trong phòng chống dịch thời gian qua, ổn định hoạt động kinh doanh, đảm bảo đời sống nhân viên, kiên cường vượt bão – mà một trong những cơn bão lớn nhất là đại dịch Covid-19.

“Đức tính người mẹ” bên trong nữ doanh nhân

Báo cáo thường niên “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton International phát hành đầu năm 2021 ghi nhận tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tầm trung ở Việt Nam đã lên tới 39%, tăng 6% so với năm 2020 và xếp thứ 3 trên thế giới và xếp thứ 2 ở châu Á - Thái Bình Dương.

Vai trò của các nữ doanh nhân càng được khẳng định khi theo báo cáo của Mastercard, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hiện chiếm 26,5%, cao nhất Đông Nam Á và đóng góp 40% GDP của cả nước, đồng thời tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn do phụ nữ làm chủ phát triển đến quy mô tầm cỡ trong nước và quốc tế, góp phần làm tăng uy tín và vị thế của đất nước. Có thể kể tới những cái tên nổi bật như bà Thái Hương với Tập đoàn TH, bà Nguyễn Thị Nga của BRG, bà Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air hay bà Nguyễn Thị Mai Thanh của REE.

Đội ngũ nữ doanh nhân Việt Nam - những người vốn đã phải đảm trách thiên chức người mẹ, người vợ trong gia đình như bao người phụ nữ khác, đã và đang thể hiện tài năng vượt trội trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, trở thành những "nữ tướng" quyền lực trong giới doanh nhân.

Ngay cả khi đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới toàn nền kinh tế, các doanh nghiệp do nữ doanh nhân làm chủ vẫn đứng vững trước khó khăn. Họ chẳng hề yếu thế khi đặt trên bàn cân với các nam nhân tài ba khác, được ví như những thuyền trưởng vững vàng, chèo lái doanh nghiệp vượt sóng, đạt nhiều thành quả trên thương trường.

Chia sẻ tại tòa đàm “Đi qua mùa bão” do Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) tổ chức chiều 27/10 nhân kỷ niệm 7 năm thành lập Hiệp hội, bà Thái Hương chia sẻ, trong cơn bão nào cũng vậy – dù trong cuộc sống gia đình hay khi điều hành một doanh nghiệp, người phụ nữ luôn có những thế mạnh đặc biệt phần nào giúp họ tránh được nhiều rủi ro.

Bà Thái Hương chia sẻ tại tòa đàm “Đi qua mùa bão” do Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE) tổ chức chiều 27/10.

“Tố chất của cả doanh nhân nam và nữ đều giống nhau ở sự mạnh mẽ, bản lĩnh, quyết đoán và sự thấu đáo. Nhưng ở người phụ nữ còn có một điểm mạnh hơn đó là sự chu đáo, bao dung, uyển chuyển, đặc biệt là tấm lòng người mẹ trong ứng xử với nhân viên, đồng nghiệp và có sự điềm tĩnh trước các tình huống bất ngờ xảy ra”, bà Thái Hương chia sẻ.

Chính nhờ những phẩm chất này, thời gian qua các doanh nghiệp nữ chủ nhanh chóng bắt nhịp với các chủ trương, quyết sách của Chính phủ trong phòng chống dịch, ổn định hoạt động kinh doanh, đảm bảo đời sống nhân viên. Riêng với TH, tập đoàn vẫn ghi nhận tăng trưởng hai con số ngay trong đại dịch Covid-19.  Tốc độ tăng trưởng cao được TH duy trì song hành với việc đảm bảo 5 giá trị cốt lõi, trong đó “Hài hòa lợi ích”, phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu.

Đồng tình với quan điểm của Nhà Sáng lập Tập đoàn TH, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Đà Nẵng cho rằng, nếu điểm mạnh của nam giới là khả năng bứt phá, mạnh mẽ thì của người phụ nữ là sự bền bỉ và khả năng thấu cảm của người mẹ.

“Doanh nghiệp có duy trì được hoạt động ổn định, bền bỉ, đồng lòng hay không đều nằm ở nhân sự. Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh thay đổi nhanh, khả năng thấu cảm là vô cùng quan trọng. Các nữ doanh nhân với thiên tính của người phụ nữ sẽ có khả năng thấu cảm, nhạy cảm hơn, cẩn trọng hơn một chút so với nam giới. Dù chỉ một chút nhưng lại tạo ra lợi thế không hề nhỏ”, bà Phương nhận định.

Các khách mời tham gia tọa đàm “Đi qua mùa bão”.

Ông Đỗ Xuân Phú, Chủ tịch Sunhouse cũng đồng tình với thế mạnh của phụ nữ so với nam giới là yếu tố tỉ mỉ, chi tiết và bền bỉ. Tuy nhiên, nam giới cũng có những thế mạnh riêng biệt.

“Mỗi cuộc khủng hoảng đều xuất hiện những khó khăn nhưng song hành với đó cũng có cơ hội. Nó sẽ tạo lớp doanh nghiệp mới thay thế những doanh nghiệp già yếu cũ kỹ. Hy vọng đợt khủng hoảng này cũng là cơ hội cho các doanh nhân nữ, tố chất doanh nhân nữ vượt qua đại dịch, phát triển lớn mạnh”, ông Phú chia sẻ.

Đẩy mạnh trách nhiệm xã hội

Khả năng ổn định nhanh chóng còn giúp các doanh nghiệp nữ chủ có nhiều nguồn lực hơn để thực hiện trách nhiệm xã hội

Khi dịch bệnh bùng phát, các doanh nghiệp nữ chủ còn cho thấy tinh thần trách nhiệm xã hội cao. Theo bà Thái Hương, đóng góp quan trọng nhất chính là tính tuân thủ của doanh nghiệp đối với các chủ trương, quyết sách của Chính phủ trong phòng chống dịch. Đóng góp thứ hai là đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên từng doanh nghiệp, hàng trăm nghìn lao động do các doanh nghiệp trong Hiệp hội quản lý.

Tập đoàn TH và BAC A BANK đóng góp cho Quỹ Vaccine và nhiều hoạt động ủng hộ sản phẩm, thiết bị y tế với tổng trị giá khoảng 102 tỷ đồng tính đến thời điểm này.

“Song song với đó, doanh nghiệp của các nữ doanh nhân đã đóng góp hàng ngàn tỉ đồng trong cuộc chiến chống dịch bệnh vừa qua. Như doanh nghiệp của chị Nga (bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch VAWE, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng SeAbank) ủng hộ 50 tỷ đồng. Tập đoànTH và Ngân hàng Bắc Á thì tổng đóng góp lên đến hàng trăm tỷ bằng tiền mặt và hiện vật, thiết bị y tế, và còn nhiều doanh nghiệp khác nữa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đưa ra hàng loạt các sáng kiến giá trị như Siêu thị 0 đồng tổ chức tại TPHCM hỗ trợ các lao động thất nghiệp, ủng hộ người dân khó khăn từ gạo đến sữa, nước uống, thực phẩm… ”, bà Thái Hương chia sẻ.

Các doanh nghiệp nữ chủ ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động phòng chống dịch. Siêu thị 0 đồng là một trong những sáng kiến mang lại nhiều hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do Covid-19.

Đến nay đại dịch được đẩy lui, từ chỗ có hơn 10.000 ca mắc mỗi ngày nay chỉ trên dưới 3.000 và số ca tử vong cũng giảm rõ rệt, nền kinh tế từng bước đi vào ổn định. Hoạt động xuất nhập khẩu đang từng bước trở lại, phục hồi với nhịp đập của thế giới.

Đánh giá kinh tế hậu đại dịch sẽ còn gặp nhiều thách thức, nhưng bà Thái Hương tin rằng trí tuệ bản lĩnh phụ nữ doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn.

“Ta đang ở thời kỳ hậu đại dịch muôn vàn khó khăn nhưng với sức mạnh, tấm lòng trắc ẩn, sự bao dung, sự chia sẻ và trí tuệ bản lĩnh của người phụ nữ - doanh nhân, ta hãy vượt qua khó khăn xây dựng căn cơ bài bản cho doanh nghiệp mình, cùng đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và như vậy mức tăng trưởng GDP 3% mà Chính phủ đặt ra trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi”, bà Thái Hương chia sẻ.

Yến Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan