Mô hình toàn diện đầu tiên cho trẻ em Việt Nam: Kết hợp dinh dưỡng và hoạt động thể chất
Ngày 8/10, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Tổng kết “Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam”, năm học 2020-2021 triển khai mô hình thí điểm cho cấp học Mầm non và Tiểu học tại 10 tỉnh thành.
Mô hình điểm là cách làm sáng tạo thực hiện Đề án 41 của Thủ tướng Chính phủ về “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025”.
Trẻ em Việt Nam hiện đang vướng vào gánh nặng kép khi ở nông thông tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dẫn đến thấp còi ở mức cao, trên 38%, tương đương cứ 2 – 3 trẻ thì có 1 trẻ thấp còi. Trong khi đó, tại thành thị, tỷ lệ trẻ béo phì cũng ở mức tương đương khi cứ 2- 3 trẻ lại có 1 trẻ thừa cân béo phì.
Song song với sự mất cân bằng về dinh dưỡng, trẻ em Việt Nam còn thiếu vận động. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 60% trẻ em tự học và sử dụng Internet thay vì chơi thể thao. Việt Nam cũng nằm trong top 10 quốc gia “lười vận động” nhất trên thế giới.
Việc thiếu đi cả 2 thành tố chính đóng góp cho sự phát triển là dinh dưỡng cân bằng và vận động hợp lý đang ảnh hưởng tiêu cực tới trí tuệ và sức khỏe của trẻ em Việt Nam. Đây là hồi chuông báo động không chỉ dành cho những gia đình có con nhỏ, mà của cả tương lai, tầm vóc dân tộc.
Chính vì vậy, Mô hình điểm được đề ra nhằm khắc phục những vấn đề mà trẻ em Việt Nam đang gặp phải. Với 3 trụ cột chính gồm bữa ăn học đường - đưa ra chế độ dinh dưỡng hợp lý theo vùng miền, cải thiện hoạt động thể chất để tăng cường thể lực và cuối cùng là hoạt động tuyên truyền, thay đổi nhận thức về dinh dưỡng và vận động của phụ huynh, giáo viên, Mô hình điểm thuộc Đề án 41 là một thử nghiệm thành công nhất về các điều kiện cần và đủ để có thể triển khai được bữa ăn học đường cho trẻ một cách khoa học, hợp lý phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội từng địa phương.
“Đây có thể coi là cuộc cách mạng gắn kết dinh dưỡng với hoạt động thể chất đầu tiên tại Việt Nam”, TS. Đàm Quốc Chính, Giám đốc Văn phòng Ban Ðiều phối Ðề án 641, Tổng Cục Thể dục thể thao, Bộ VHTTDL nhận định.
Theo ông Chính, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam đã đưa ra nhiều đề án liên quan đến hoạt động cải thiện dinh dưỡng cho người Việt, song đa phần chỉ lưu ý vào tháp dinh dưỡng chứ chưa gắn kết dinh dưỡng với hoạt động thể chất.
Trong khi đó, mô hình thí điểm cho thấy sự toàn diện khi đã có sự kết hợp giữa bữa ăn, hoạt động thể lực và công tác truyền thông. Đặc biệt, việc đẩy mạnh truyền thông làm thay đổi nhận thức của thầy cô, phụ huynh về vấn đề dinh dưỡng được xem là một bước đột phá.
Bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, kết quả triển khai từ mô hình sẽ được sử dụng làm cơ sở khoa học và thực tiễn để nhân rộng, góp phần thực hiện Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”, đề xuất xây dựng chính sách, luật về Dinh dưỡng học đường, hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2040 góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ thế hệ tương lai.
Vai trò quan trọng của nguồn lực xã hội
Để Mô hình điểm thu về những thành công ngoài mong đợi, sự đóng góp từ nguồn lực xã hội hóa là rất quan trọng.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 41 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Không thể không nhắc đến hoạt động xã hội hóa, mời gọi các doanh nghiệp. Chúng tôi đã tìm được các doanh nghiệp vừa có tâm, vừa có tầm nhìn chiến lược, đồng hành cùng Bộ.
Đặc biệt, Tập đoàn TH đã tiên phong và đồng hành với chương trình từ khi bắt đầu triển khai đến nay và sẽ tiếp tục đồng hành trong thời gian tới để nhân rộng mô hình tới 20 tỉnh thành khác trong cả nước. Chúng ta phải chăm lo thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, từ cấp học thấp nhất là cấp mầm non. Những việc mà Bộ Giáo dục thực hiện thời gian qua với sự đồng hành của Tập đoàn TH chính là để đảm bảo những mục tiêu này”.
Là doanh nghiệp song hành và năng nổ nhất với Đề án 41 ngay từ những ngày đầu, từ cuối năm 2019, Tập đoàn TH và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc lập và triển khai dự án “Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và phát triển công tác giáo dục thể chất, thể thao cho học sinh Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030” với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục dinh dưỡng, thể chất và thể thao trong trường học nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện.
Trên cơ sở thỏa thuận, Tập đoàn TH đồng hành cùng Bộ GD&ĐT triển khai Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam.
Mô hình điểm triển khai trong năm học 2020-2021 với các hoạt động khảo sát bắt đầu từ tháng 5/2020, kết thúc vào tháng 6/2021 tại 10 tỉnh thành. Với vị thế là nhà sản xuất sữa tươi lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn TH đặc biệt quan tâm tới khía cạnh dinh dưỡng toàn diện, tăng cường sức khỏe và giáo dục kiến thức dinh dưỡng lành mạnh cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Với sự tham vấn các chuyên gia, Tập đoàn TH đã bổ sung thêm lượng sữa tươi và các chế phẩm sữa tươi với mức năng lượng phù hợp với khả năng hấp thụ của trẻ vào thực đơn, qua đó xây dựng một thực đơn giải quyết bài toán kép: vừa chống béo phì, vừa cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ.
Song song với đó, Tập đoàn TH cũng là nhà đồng hành hỗ trợ phục vụ nghiên cứu khi giúp khảo sát cơ sở vật chất của trường, địa phương, đề xuất phương án tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức bữa ăn cho giáo viên và nhân viên dinh dưỡng; hỗ trợ kinh phí cải thiện cơ sở vật chất bếp ăn, phòng tập, trang thiết bị cần thiết cho bữa ăn đạt chuẩn; hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị luyện tập thể thao theo khuyến nghị của chuyên gia; hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các suất ăn ở những vùng khó khăn...
Từ dinh dưỡng hợp lý, toàn diện tới sức khỏe học đường và tầm vóc Việt
Nhìn nhận những kết quả đạt được, bà Thái Hương – Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ: "Tôi thực sự hạnh phúc vì sự nỗ lực để các em ở lứa tuổi vàng có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, toàn diện thông qua bữa ăn học đường đã có kết quả. Các em có khỏe mới học tốt. Sức khỏe và trí tuệ của trẻ em hôm nay là sức mạnh của dân tộc ngày mai.
Kết quả thực nghiệm bữa ăn học đường tại 10 tỉnh thành thuộc 5 vùng sinh thái đã phát huy được lợi thế vùng miền, sử dụng thực phẩm tự nhiên tại địa phương, góp phần phát triển nông nghiệp vùng; thông qua bữa ăn học đường để cân chỉnh cho bữa ăn trong gia đình- dinh dưỡng cho người Việt. Để chương trình được nhân rộng thì cần có đào tạo, truyền thông sâu rộng cho toàn xã hội đồng tình, đặc biệt là giáo viên, cán bộ dinh dưỡng và phụ huynh - những người đang chăm sóc trực tiếp cho các em học sinh nhỏ”.
Nhà sáng lập TH cũng nhấn mạnh, mô hình cần là tiền đề để nhà quản lý nhân rộng quy mô lên cả nước, đẩy mạnh tính minh bạch thông qua việc xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường.
“Chỉ có như vậy mới đảm bảo quy chuẩn và kiểm soát chất lượng cho mọi thứ liên quan đến dinh dưỡng học đường, từ nguồn gốc thực phẩm, tiêu chuẩn nhân sự, hoạt động giáo dục dinh dưỡng tới học sinh, phụ huynh…”, bà nhấn mạnh.
Quan điểm của bà Thái Hương nhận được sự đồng thuận từ phía Chính phủ khi ngày 2/10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký ban hành quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Sức khỏe học đường” giai đoạn 2021 - 2025.
Trong đó, về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học, Chương trình đề ra các chỉ tiêu: 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định; 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định…
Yến AnhBạn đang xem bài viết Tập đoàn TH đồng hành với Chính phủ chăm lo sức khỏe học đường cho trẻ em Việt Nam tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].