Dưới đây là một số quan niệm dạy con đã lỗi thời và nguy hiểm mà cha mẹ nên ngừng nhồi nhét vào đầu con cái.
Cha mẹ không nên dạy con chỉ tập trung làm một việc và giúp con giải quyết mọi chuyện còn lại.
Mỗi người đều cần phát triển kỹ năng đa nhiệm và tự chịu trách nhiệm cho mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình.
Tuy nhiên những kỹ năng này cần có sự tích góp kinh nghiệm, trẻ sẽ không thể học được nếu cha mẹ quá bao bọc và chiều chuộng con.
Càng tệ hơn là một số cha mẹ cố gắng bảo vệ con khỏi mọi vấn đề. Những đứa trẻ này lớn lên sẽ có thể cư xử một cách trẻ con, thiếu trách nhiệm.
Khi con cái không biết mình muốn làm nghề gì, chúng sẽ có xu hướng lựa chọn theo gợi ý của cha mẹ.
Lựa chọn này sẽ có thể trở thành sai lầm lớn trong cuộc đời, khiến con hối tiếc mãi về sau.
Để tránh viễn cảnh này, cha mẹ không nên đặt quá nhiều áp lực lên con cái và cho con cơ hội tự lập kế hoạch cho cuộc đời của mình.
Do đó, ở một số nước, thanh thiếu niên được khuyến khích có một năm "gap year" sau khi học hết trung học phổ thông.
Trong thời gian này, họ có thể đi làm, đi thực tập hoặc học một số khóa học, và quan trọng nhất là dành thời gian để cân nhắc kế hoạch cho tương lai.
Có những công việc đòi hỏi phải học cao như thiết kế máy bay, kỹ sư xây dựng,... Nhưng tấm bằng đại học cũng không đảm bảo bạn nhận được lương cao hơn.
Nó tùy thuộc vào từng quốc gia, giá trị công việc trên thị trường lao động, chất lượng của trường đại học và khả năng của mỗi sinh viên.
Ví dụ, nghề bác sĩ ở Mỹ thuộc top nghề nghiệp thu nhập cao nhất, nhưng ở các nước khác thì có thể khác biệt.
Ngoài ra cũng có những ngành nghề lương cao (như làm đẹp, IT, phim ảnh,...) mà bằng đại học không quan trọng bằng kỹ năng và kinh nghiệm cá nhân.
Do đó có rất nhiều doanh nhân, chuyên gia làm đẹp, nghệ sĩ thành công mà không có bằng đại học.
Tốt nghiệp với bằng cấp đẹp đẽ không phải là điều bắt buộc, nhưng một công việc làm thêm có thể mang lại kinh nghiệm quý giá, các mối quan hệ và thậm chí là quyết định tương lai của con.
Khi người trẻ tuổi đi làm sớm, họ sẽ học được cách hoàn thành công việc trong deadline, sắp xếp công việc, nhận góp ý từ cấp trên.
Ngày nay, nhà tuyển dụng hiểu rõ giá trị của công việc làm thêm, do đó những kinh nghiệm này sẽ giúp các sinh viên mới ra trường gây ấn tượng tốt trong bản CV.
Các chuyên gia tin rằng 65% học sinh hiện nay sẽ làm những công việc mà hiện tại chưa xuất hiện.
Do đó không chỉ kiến thức chuyên môn mà kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện và tự lập đều rất quan trọng.
Một số người thường cho rằng khi có việc gì xảy ra, chắc chắn sẽ có ai khác giải quyết và họ không cần can thiệp. Họ sẽ dạy con không nên nói quá nhiều, không nên gây chú ý và không lo việc của người khác.
Tuy nhiên điều này sẽ tạo ra những đứa trẻ thờ ơ, không thể nói ra quan điểm hay đấu tranh vì mưu cầu của chính mình.
Đây không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là của toàn xã hội khi chúng ta có một thế hệ thờ ơ, vô cảm, không quan tâm đến những vấn đề chung.
Lối suy nghĩ "việc này không liên quan đến mình" là rất tệ hại. Cha mẹ nên dạy con quan tâm đến thế giới, chính trị, xã hội các vấn đề môi trường, tự nhiên.
Khi chúng ta nuôi dạy những đứa trẻ được truyền cảm hứng, có đam mê và nhận thức thì tương lai sẽ có càng nhiều tiến bộ khoa học, sáng kiến môi trường, dự án xã hội có ích,... Từ đó, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
(Theo Bright Side)