Dù cho bạn bị mê mệt bởi bức tranh ‘Đêm đầy sao’ của Vincent van Gogh hay bởi những học thuyết về không – thời gian của Albert Einstein, bạn cũng sẽ đồng ý rằng cả 2 tác phẩm đó đều là kết quả của trí tưởng tượng đáng kinh ngạc.
Khả năng sáng tạo có liên quan chặt chẽ đến trí tưởng tượng, điều thiết yếu giúp hình thành ý tưởng mới, phát minh và khám phá.
Nhưng tại sao chúng ta lại quá khác nhau về khả năng tưởng tượng? Có cách nào để mỗi người trở nên giàu trí tưởng tượng, từ đó sáng tạo hơn không?
Khoa học đã có những nhận thức mới về vấn đề này, dựa trên 3 loại trí tưởng tượng hoàn toàn khác biệt nhưng có sự liên quan với nhau.
"Trí tưởng tượng sáng tạo" là hành động sáng tạo vĩ đại, ví như sáng tác một bản opera hay phát minh ra một điều gì làm thay đổi cả thế giới. Điều này khác hẳn với những sáng tạo hàng ngày, ví như tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn đề nội trợ hoặc làm một sản phẩm thủ công.
Cảm hứng sáng tạo là điều khó nắm bắt. Tuy nhiên, đào tạo khả năng sáng tạo hoặc tạo ra một trạng thái sáng tạo từ lâu đã là mục đích của nhiều nghệ sĩ và nhà khoa học.
Nhưng liệu điều đó có thể thực hiện được? Chúng ta biết rằng một số cá nhân có tính cách sáng tạo hơn những người khác.
Các nghiên cứu đã gợi ý rằng trí tưởng tượng sáng tạo cũng có thể được đẩy mạnh thông qua môi trường, hoặc đơn giản là thực hiện rất nhiều công việc khó khăn.
Ví dụ: các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy rằng khi trẻ tham gia vào nội dung sáng tạo hoặc xem những việc làm có tính sáng tạo cao, chúng trở nên sáng tạo hơn.
Có hai giai đoạn để hình thành trí tưởng tượng sáng tạo.
"Tư duy khác biệt" là khả năng nghĩ ra nhiều ý tưởng, tất cả bằng cách nào đó kết nối với một vấn đề chính hoặc chủ đề. Nó có xu hướng được hỗ trợ bởi tư duy trực quan, đó là nhanh chóng và tự động.
Giai đoạn tiếp theo bạn cần "suy nghĩ hội tụ" để giúp bạn đánh giá những ý tưởng hữu ích trong vấn đề hoặc chủ đề chính. Quá trình này được hỗ trợ bởi tư duy phân tích - vốn rất chậm chạp và thận trọng - cho phép chúng ta lựa chọn đúng ý tưởng.
Vì vậy, nếu bạn muốn viết một kiệt tác nào đó, hãy tham gia nhiều buổi thảo luận với bạn bè, tham gia một khóa học về tư duy sáng tạo hoặc viết ra ý tưởng. Tất cả có thể giúp bạn có những ý tưởng sáng tạo.
Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết giúp bạn chọn một ý tưởng tốt nhất.
Vì vậy, các nghiên cứu cho thấy rằng yêu cầu đầu tiên là thực sự tiếp xúc và có kinh nghiệm.
Bạn càng làm việc lâu dài và suy nghĩ trong một lĩnh vực - và quan trọng hơn, dám gây ra nhiều sai lầm - bạn càng trực quan hơn khi đưa ra ý tưởng và phân tích để chọn ra một ý tưởng đúng.
Sáng tạo thành công không hề giống việc tìm kiếm một phép màu.
Như nhà vi sinh vật học Louis Pasteur nói: "May mắn sẽ chỉ đến với những tâm trí có sự chuẩn bị".
Điều này cũng áp dụng cho nghệ thuật, với lời khuyên của danh họa Pablo Picasso: "Học các quy tắc như một chuyên gia, sau đó bạn có thể phá vỡ chúng như một nghệ sĩ".
Trí tưởng tượng huyền ảo
Đối với nhiều người, khả năng đắm mình vào một ý tưởng là chìa khóa để hoàn thành một dự án thành công, sáng tạo.
Để làm được điều này, bạn cần một cái gì đó mà các nhà khoa học gọi là "Trí tưởng tượng huyền ảo".
Trạng thái này là khi bạn thực sự chìm vào thế giới tưởng tượng, những chi tiết của thế giới đó hiện ra sống động và rực rỡ.
Thoạt nhìn, người ta có thể cho rằng trí tưởng tượng huyền ảo có thể làm tăng mơ mộng và xao lãng các nghĩa vụ hàng ngày.
Thậm chí còn có nhược điểm, tưởng tượng huyền ảo của một người có xu hướng tăng lên như là một phản ứng đối với các sự kiện đau buồn. Họ tìm đến thế giới tưởng tượng như là một cách thoát khỏi thực tế.
Tuy nhiên, vẫn có những điểm có ích của loại hình trí tưởng tượng này.
Sự huyền ảo với trẻ nhỏ có liên quan đến tăng trí sáng tạo, tăng khả năng tường thuật và đánh giá.
Với người lớn, đôi lúc "nằm mơ giữa ban ngày" cũng giúp cải thiện trí nhớ, giải quyết vấn đề sáng tạo và lập kế hoạch.
Đây cũng là một khả năng bạn có thể tăng cường trí sáng tạo.
Nghiên cứu cho thấy rằng trẻ em được cha mẹ của mình khuyến khích tham gia chơi các trò chơi đóng vai có mức độ tưởng tượng cao hơn sau này trong cuộc đời. Và không bao giờ là quá muộn để bắt đầu - các diễn viên nghiệp dư cũng có trí tưởng tượng cao hơn.
Trí tưởng tượng theo giai đoạn
"Trí tưởng tượng theo giai đoạn" tương tự như trí tưởng tượng huyền ảo nhưng chủ yếu sử dụng các chi tiết bộ nhớ thực (theo giai đoạn) thay vì chi tiết tưởng tượng chỉ tồn tại trong tâm trí chúng ta.
Điều này giúp các cá nhân để tưởng tượng tốt hơn quá khứ và học hỏi từ những sai lầm của họ, hoặc tưởng tượng tương lai của họ và chuẩn bị những giải pháp cần thiết.
Các nghiên cứu nhỏ đã được thực hiện cho đến nay cho thấy rằng các cá nhân với một năng lực cao hơn về trí tưởng tượng theo giai đoạn có thể hình dung tương lai của họ rõ hơn.
Hơn nữa, mặc dù có hàng tỉ cuốn sách phát triển bản thân đề xuất rằng "hãy tưởng tượng bạn thành công và điều đó sẽ xảy ra", thực tế lại ngược lại.
Để chuẩn bị cho tương lai, tốt nhất bạn nên tưởng tượng về quá trình – chứ không phải về kết quả – của những gì sẽ xảy ra.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng khi sinh viên tưởng tượng và khao khát về kết quả (điểm cao cho kỳ thi sắp tới), họ sẽ thực hiện bài thi kém hơn đáng kể so với những sinh viên khác, những người tưởng tượng về quá trình để có được điểm tốt (tưởng tượng xem sẽ học như thế nào).
Rõ ràng những gợi ý này nên được quan tâm khi thực hiện những kế hoạch cho năm mới của bạn, phải không?
Tất cả chúng ta đều có khả năng tưởng tượng ở các mức độ khác nhau, và thật khó để hình dung con người sẽ ra sao nếu thiếu đi khả năng này.
Có rất nhiều con đường để thúc đẩy sự sáng tạo, ví như luyện tập, chơi các trò chơi. Và trải nghiệm là điều không thể thiếu.
Đây chính là điều Einstein đã từng nói: "Dấu hiệu thực sự của trí thông minh không phải là tri thức mà là trí tưởng tượng".