3 loại bệnh trẻ dễ mắc đang phổ biến, các triệu chứng bố mẹ nhận biết để kịp thời phòng bệnh cho con

Tay chân miệng, sốt xuất huyết và COVID-19 là 3 loại bệnh đang lưu hành. Nếu không phân biệt triệu chứng của từng loại bệnh, các phụ huynh hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn khi thấy trẻ sốt.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, chỉ trong 1 tuần, TP ghi nhận tới 420 ca mắc Tay chân miệng. Số ca mắc Tay chân miệng đang tăng nhanh, gấp tới 4 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP.HCM thông tin, trong thời điểm hiện nay dễ xảy ra tình trạng nhiều phụ huynh nhầm lẫn 1 số loại bệnh đang cùng lưu hành.

Theo bác sĩ Tiến, hiện nay đang có 3 loại bệnh truyền nhiễm đang lưu hành gồm: Tay chân miệng, Sốt xuất huyết, COVID-19. Cả 3 loại bệnh này đều có triệu chứng ban đầu là sốt nên khi trẻ bị sốt trong 3 ngày đầu các bố mẹ dễ nhầm lẫn giữa 3 loại bệnh trên.

BS Tiến cũng cho biết còn xảy ra đồng nhiễm ở trẻ: vừa mắc Tay chân miệng vừa COVID-19 hoặc vừa mắc sốt xuất huyết vừa mắc COVID-19 hoặc vừa tay chân miệng vừa sốt xuất huyết. Do đó khi nhận thấy những triệu chứng ở trẻ, cha mẹ cần tham vấn cán bộ y tế để xác định sớm bệnh để kịp thời chữa trị.

Dấu hiệu của 3 loại bệnh:

Tay chân miệng:

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra và hiện chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày. Trẻ tiếp xúc với mầm bệnh phải theo dõi trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp xúc.

Ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhẹ, các dấu hiệu của bệnh thường biểu hiện ra bên ngoài như nổi hồng ban mụn nước, loét miệng, sốt, tiêu chảy... Tuy nhiên, ở trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì các dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài rất ít và rất khó nhận ra như bệnh tác động đến não, gây giật mình, chới với...

Nhiều trẻ mắc Tay chân miệng.

Phụ huynh cần cho trẻ ăn chín uống sôi, ở sạch, giữ bàn tay sạch, chơi đồ chơi sạch và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bệnh TCM tại Việt Nam là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm, thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát thường vào khoảng từ tháng 3-5 và tháng 8-9 hằng năm. Hầu hết các ca bệnh diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết

Ở thể bệnh nhẹ: bệnh nhân có triệu chứng:

Sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C, kéo dài 2 – 7 ngày, khó hạ sốt.

Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu.Có thể có nổi mẩn, phát ban.

Ở thể bệnh nặng: bao gồm các dấu hiệu trên kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

Dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng).Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Sốt xuất huyết cũng là loại bệnh nguy hiểm.

COVID-19

Khi trẻ có những triệu chứng: sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, đau người, mỏi mệt... các phụ huynh cũng nên nghĩ tới việc trẻ có thể mắc COVID-19. Khi trẻ có các triệu chứng trên, để xác định trẻ có mắc COVID-19 hay không, bố mẹ có thể đưa trẻ ra cơ sở y tế để test COVID-19 hoặc có thể mua que test nhanh để tự test tại nhà.

Các phụ huynh nên nắm được các triệu chứng của 3 loại bệnh trên để kịp thời phân biệt, xử trí khi trẻ mắc.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan