Con người thực ra dễ đoán hơn chúng ta tưởng. Nắm bắt được những thói quen tâm lý chung của hầu hết mọi người sẽ giúp ích cho bạn trong nhiều tình huống đấy nhé!
Đừng nghĩ rằng chỉ có các cảnh sát điều tra mới cần biết đến những thủ thuật tâm lý. Trong đời sống hằng ngày, có rất nhiều mẹo tâm lý sẽ giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn, hay đơn giản là thuận tiện hơn trong nhiều tình huống: khi phải chen chúc qua một đám đông, khi trong cuộc tranh luận hay đang muốn nhờ người khác làm gì đó.
1. Nếu không phải là người đầu tiên thì hãy là người cuối cùng
Con người ta thường chỉ ấn tượng với thứ xuất hiện đầu tiên và cuối cùng trong một chuỗi những việc xảy ra. Những điều ở giữa thường nhanh chóng bị quên đi.
Do đó, nếu nhóm của bạn đang muốn lên kế hoạch làm gì hay khi gia đình cần sắm sửa nhiều đồ dùng mới, hãy để những thứ bạn muốn lên đầu hoặc cuối danh sách, người ta sẽ ghi nhớ chúng và tự có cảm giác rằng chúng quan trọng hơn.
Mẹo này thực tế được áp dụng khá nhiều trong cuộc sống: trong các chương trình âm nhạc, màn biểu diễn 'đinh' thường được để mở màn hoặc kết thúc, hay khi chúc sinh nhật ai đó quan trọng mà không thể là người gửi tin nhắn đầu tiên, chúng ta thường để muộn hẳn để có vẻ 'đặc biệt' hơn trong mắt người đó.
2. Trong nhóm bạn, có đôi nào đang 'tăm tia' nhau?
Khi cả nhóm đang trò chuyện phá lên cười với nhau vì chuyện gì đó, người ta thường nhìn về phía người họ thích, thân thiết nhất hoặc có ảnh hưởng lên họ nhất để xem người đó có đang cười không. Nếu tinh ý, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy mối quan hệ thực sự giữa những người trong nhóm.
3. Đừng hỏi 'Em có muốn lấy anh không?', hãy hỏi 'Em muốn lấy anh vào tháng 7 hay tháng 9?'
Đây là một mẹo tâm lý khá hữu dụng khi bạn đang muốn người khác làm gì đó. Hãy trò chuyện tự nhiên và khi vào đến chủ đề ấy, thay vì hỏi người khác họ thấy quyết định đó thế nào, họ có muốn làm không, hãy cho họ hai lựa chọn mà kiểu gì cũng dẫn đến quyết định đó.
Một bà mẹ chia sẻ cách mình đã áp dụng với các con nhỏ: Khi muốn chúng làm việc nhà - việc bọn nhóc không thích tí nào - thay vì bảo 'Hôm nay mẹ con mình sẽ dọn nhà nhé!', cô thường nói 'Bi với Tít muốn cùng mẹ quét nhà trước hay thu quần áo trước nào?'.
Các con thì có cảm tưởng rằng mình có lựa chọn và điều đó cũng khiến chúng tham gia vào công việc hơn, trong khi thực tế thì kiểu gì chúng cũng sẽ cùng mẹ làm việc nhà mà thôi.
4. Khi nào người khác thích nói chuyện với bạn và khi nào thì không?
Đầu mũi chân của con người thể hiện hướng suy nghĩ của họ. Giả dụ như khi bạn tham gia vào một nhóm hai người đang trò chuyện, họ quay mặt về phía bạn nhưng chân họ hướng ra phía khác, hay khi trò chuyện với bạn chân họ hướng ra cửa, điều đó có nghĩa là họ không để tâm lắm đến cuộc trò chuyện với bạn.
Điều này không phải lúc nào cũng đúng 100%, bởi với những người có xu hướng ngại ngùng, khép kín, họ sẽ thường 'né' người khác từ trong tiềm thức.
Hãy áp dụng một cách linh hoạt và kết hợp quan sát ánh mắt, biểu cảm của người đó để biết họ có thực sự muốn tiếp chuyện bạn hay không.
5. Tránh bị 'tấn công' trong các cuộc họp
Khi biết trước rằng trong cuộc họp hôm nay, có một người sẽ phê bình hay chỉ trích khuyết điểm của bạn, hãy ngồi càng gần người đó càng tốt. Nghe có vẻ ngược đời, vì thường chúng ta sẽ muốn né người đó càng xa càng tốt.
Tuy nhiên trong thực tế, khoảng cách gần gũi sẽ khiến người đó cảm thấy không thoải mái và khó mà 'tấn công' bạn hơn. Câu nói 'Hãy để bạn ở gần, nhưng kẻ thù ở gần hơn' được hiểu theo nghĩa đen trong trường hợp này.
6. Để một người không ưa bạn giúp đỡ bạn
Bạn có thể cảm thấy ai đó không thích mình, nhưng đôi khi bạn vẫn muốn tạo quan hệ hay nhờ người đó giúp đỡ.
Thay vì hạn chế tiếp xúc hoặc nghĩ rằng 'có qua có lại', bạn càng giúp đỡ người đó thì người đó càng quý mến bạn, hãy làm ngược lại.
Đầu tiên, hãy bắt đầu bằng cách nhờ người đó những chuyện lặt vặt. Ví dụ như hỏi mượn một cái bút hay việc gì đó rất dễ dàng.
Thường thì người ta sẽ không giúp người mình không ưa, nhưng đó là một việc quá nhỏ nhặt nên họ sẽ khó lòng từ chối.
Sau đó, bạn có thể thi thoảng nhờ vả và những lần sau, dù là việc có lớn hơn thì người ấy cũng sẽ vui lòng giúp bạn hơn.
Trong tâm lý học, đây gọi là 'hiệu ứng Ben Franklin'. Theo đó, người ta thường sẽ có xu hướng giúp đỡ người khác khi đã từng giúp đỡ họ trước đó hơn là khi từng nhận được sự giúp đỡ của họ.
Hiệu ứng này trái ngược với suy nghĩ thông thường nhưng khá dễ quan sát thấy trong cuộc sống: Tại sao có những người vẫn cứ liên tục giúp đỡ một người bạn khốn khổ hay người anh em khó khăn, dù cho với người ngoài chúng ta thấy rằng họ đang bị lợi dụng mười mươi?
Đó là do ta thường đồng nhất việc giúp đỡ ai đó với tình cảm, càng đầu tư vào ai đó nhiều, chúng ta càng nghĩ rằng mình thích họ hơn.
7. Tạo cảm giác thân thiết với người khác
Khi muốn tạo cảm giác gần gũi với người đối diện, hãy mô phỏng họ. Có thể là tư thế ngồi của họ, cách họ chống tay lên cằm, hoặc các câu cửa miệng của họ.
Chỉ cần thực hiện đủ tinh tế và không quá 'lố', bạn sẽ tạo ấn tượng với người đó rằng bạn và họ giống nhau, mà người ta thường có xu hướng thích những người giống mình.
8. Chen chúc qua đám đông dễ dàng hơn
Khi muốn đi qua một đám lố nhố người như trong một buổi tiệc chẳng hạn, thay vì đi đến đâu lại 'Cho tôi xin phép...' đến đấy, hãy cứ hướng thẳng về hướng bạn muốn tới, nhìn vào các khoảng trống giữa mọi người thay vì nhìn vào họ. Thường thì người ta sẽ tự tạo một khoảng trống nào đó cho bạn len qua.
9. Nhờ người khác mang giúp đồ
Khi đi cùng một nhóm nào đó và muốn một người xách đồ giúp bạn, hãy cứ trò chuyện liên tục với họ và đưa đồ về phía họ. Thường thì họ sẽ cầm lấy luôn mà chẳng buồn suy nghĩ.
10. Cách nhận biết xem người khác có đang 'để ý' mình không
Một người nào đó dường như đang 'tăm tia' mình mà không nói ra, làm sao để chắc chắn và khỏi 'ăn dưa bở'?
Khi ngồi gần người đó, hãy giả vờ ngáp. Ngáp là một phản xạ dễ lây, vậy nên nếu sau đó người ấy cũng ngáp theo thì rất có thể người đó hay bí mật dõi theo bạn.