Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh đái tháo đường diễn biến thầm lặng, lưu ý 8 triệu chứng điển hình nếu không muốn bị suy tim, đột quỵ

Bệnh đái tháo đường diễn biến thầm lặng nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, suy thận, mù lòa, đột quỵ… Cần lưu ý 8 triệu chứng dưới đây để nhận biết sớm bệnh.

Da có cảm giác ngứa, đau, tê tay... là những triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường. Ảnh minh họa

Da có cảm giác ngứa, đau, tê tay... là những triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường. Ảnh minh họa

Bệnh đái tháo đường là gì?

Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là một rối loạn chuyển hoá không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về Insulin, về hoạt động của Insulin hoặc cả hai.

Tăng glucose huyết mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbonhydrat, protide, lipide, gây tổn thương nhiều ở cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh.

Việc phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường giúp người bệnh có kế hoạch cũng như chiến lược điều trị và thay đổi lối sống để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm.

8 triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường

Theo khuyến cáo của Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường thường diễn biến âm thầm trong thời gian dài. Một số triệu chứng ban đầu, điển hình của bệnh cần lưu ý có thể kể đến như:

– Đi tiểu thường xuyên

– Cảm thấy rất khát

– Cảm thấy rất đói, ngay cả khi đang ăn

– Mệt mỏi nhiều, hay bị tỉnh giấc giữa đêm

– Nhìn mờ

– Chậm lành các vết thương hoặc vết loét

– Giảm cân không kiểm soát, không rõ lý do, ngay cả khi đang ăn nhiều hơn

– Mắc các bệnh về da, da có cảm giác bị ngứa ran, đau, da bị khô, tuần hoàn kém hoặc tê ở tay hoặc chân.

Bệnh đái tháo đường khi phát hiện muộn rất nguy hiểm, có thể dẫn tới những biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh như: bệnh võng mạc, nhiễm trùng da, biến chứng về bệnh lý bàn chân đái tháo đường có thể loét, cắt cụt chi, tổn thương thần kinh, bệnh thận, bệnh tim mạch như tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, xơ vữa mạch, đột quỵ…

Cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường là đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm đường máu lúc đói. Khi xét nghiệm đường máu lúc đói phải nhịn ăn ít nhất 10 tiếng để xét nghiệm chuẩn xác.

Điều trị đái tháo đường thế nào?

Hiện nay phương pháp chính để điều trị đái tháo đường là kết hợp thuốc điều trị với chế độ dinh dưỡng và tập luyện.

Với những người bị đái tháo đường type 1, type 2 có thể điều trị bằng thuốc hoặc tiêm Insulin là liệu pháp bắt buộc kết hợp theo dõi glucose máu thường xuyên để hạn chế sự tiến triển của bệnh.

Bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bị đái tháo đường cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cần cung cấp đủ năng lượng, chất xơ, khoáng, vitamin…, tránh sử dụng đồ uống có thể gây tăng đường máu ở bệnh nhân như nước ép hoa quả, rượu, bia, cà phê...

Người bệnh đái tháo đường cũng cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, nên chọn những bài tập, bộ môn tập luyện phù hợp với sức khỏe của mình.

Ngoài ra, người bị đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên định kỳ tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa. Mỗi bệnh nhân nên có 1 máy đo đường huyết cá nhân để kiểm tra đường huyết, theo dõi, nếu quá cao hoặc quá thấp thì cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO