Báo Điện tử Gia đình Mới

6 dấu hiệu trên da cảnh báo bệnh đái tháo đường, nhiều người đang bỏ qua mà không biết

Bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều vấn đề về da nhưng thường bị mọi người bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh khác. Dưới đây là những dấu hiệu trên da cảnh báo mắc đái tháo đường.

Đái tháo đường là một bệnh chuyển hoá do tăng glucose trong máu thời gian dài. Ảnh minh họa

Đái tháo đường là một bệnh chuyển hoá do tăng glucose trong máu thời gian dài. Ảnh minh họa

Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là một bệnh chuyển hoá do tăng glucose trong thời gian dài, dẫn đến rối loạn chuyển hóa carbohydrat, protid, lipid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt gây biến chứng lên tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Nguyên nhân gây đái tháo đường chủ yếu là do thiếu hoàn toàn hoặc không hoàn toàn chất insulin (hormon của tuyến tuỵ) trong máu. Ngoài ra một số người bị đái tháo đường còn có nguyên nhân là do các bệnh nội tiết khác, hoặc do thuốc và hoá chất...

Bệnh đái tháo đường có 2 dạng chính là đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.

Đái tháo đường type 1 là đái tháo đường lệ thuộc insulin (hay gặp ở người trẻ tuổi). Đây là một tình trạng rối loạn chuyển hoá, mà nguyên nhân chính là do tế bào beta của tuyến tuỵ không tổng hợp và tiết đủ insulin, lượng insulin lưu hành trong máu rất ít, nên không thể điều hoà được lượng glucose trong máu. Đái tháo đường type 1 thường xuất hiện đột ngột, diễn biến cấp tính, hay gặp sau khi nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc, có thể dẫn đến hôn mê.

Đái tháo đường type 2 là thể bệnh phổ biến. Khác với đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2 không lệ thuộc insulin. Bệnh hay gặp ở người cao tuổi, người béo, nữ mắc nhiều hơn nam. Đối với những người bị đái tháo đường type 2, insulin do tuyến tuỵ tiết ra có thể đạt được số lượng như người bình thường nhưng lại giảm hoặc không có tác dụng điều hoà lượng glucose trong máu, do có kháng thể kháng insulin chống lại hoặc receptor tiếp nhận insulin trên màng tế bào bị hỏng.

Xuất hiện vùng da sẫm màu ở cổ, ngứa da, vết thương lâu lành... đều là những dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường. Ảnh minh họa

Xuất hiện vùng da sẫm màu ở cổ, ngứa da, vết thương lâu lành... đều là những dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường. Ảnh minh họa

Những dấu hiệu trên da cảnh báo bệnh đái tháo đường

Dù là mắc đái tháo đường type 1 hay đái tháo đường type 2 thì người bệnh đều thường gặp các triệu chứng như: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sút cân, khô miệng, mệt mỏi, chóng mặt, mất ngủ…

Ngoài ra, theo bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương, người bị đái tháo đường còn gặp phải một số biểu hiện trên da như sau:

- Viêm da: Tình trạng viêm da thường bắt đầu với những tổn thương trông như mụn nhọt. Và những tổn thương này có thể chuyển thành những khoảng da sưng và cứng, có màu vàng, hồng nhạt hoặc màu nâu. Người bệnh có thể nhìn thấy vùng da xung quanh bóng sáng như sứ, có thể nhìn thấy mạch máu dưới da, da bị ngứa và đau…

- Xuất hiện vùng da sẫm màu: Khi thấy cơ thể xuất hiện những khoảng da tối màu ở vùng cổ, dưới cánh tay, bẹn hoặc những nơi khác thì rất có thể đây là dấu hiệu của tiền đái tháo đường. Tên y khoa của tình trạng da này là bệnh gai đen, thường gây ra vùng da sẫm màu trên các nếp gấp ở cổ. Bệnh gai đen có thể là dấu hiệu đầu tiên khi một người mắc đái tháo đường. Những người có dấu hiệu này nên đi kiểm tra đái tháo đường sớm.

- Da dày và cứng: Tình trạng da dày và cứng xuất hiện trên ngón tay, ngón chân, vùng da chắc, dày, nhìn như bị sưng có thể lan lên vùng cẳng tay và cánh tay. Nó cũng có thể phát triển ở vùng lưng cao, vai và cổ, đôi khi, vùng da dày lan đến mặt, vai và ngực. Vấn đề da này thường xuất hiện ở những bệnh nhân có biến chứng của đái tháo đường hoặc đái tháo đường khó kiểm soát.

- Nhiễm trùng da: Người bị đái tháo đường có xu hướng dễ nhiễm trùng da. Người bệnh có thể bị nổi ban ngứa và đôi khi có những bóng nước nhỏ, da khô bong vảy hoặc có dịch tiết màu trắng. Nhiễm trùng da có thể xuất hiện nhiều nơi trên cơ thể, bao gồm kẽ chân, xung quanh một hoặc nhiều móng tay và vùng da đầu.

- Vết thương hở và loét: Ở người bị đái tháo đường, lượng đường trong máu cao trong thời gian dài có thể dẫn tới tuần hoàn kém và tổn thương dây thần kinh. Tuần hoàn máu kém và tổn thương thần kinh có thể gây khó khăn trong việc lành thương, nhất là những vết thương hở, loét trên bàn chân của người bệnh. Những vết thương hở này được gọi là vết loét đái tháo đường. Do vậy, người bị đái tháo đường nên kiểm tra bàn chân mỗi ngày để tìm những vết loét hay vết thương hở và điều trị sớm.

- Da khô và ngứa: Người bị đái tháo đường thường dễ bị khô da hơn người bình thường. Nguyên nhân gây khô da là do lượng đường trong máu cao. Những người bị nhiễm trùng da hoặc tuần hoàn máu kém thì tăng nguy cơ bị khô và ngứa da. Để giảm tình trạng khô da, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO