Theo chuyên trang Đột quỵ của Bộ Y Tế, đột quỵ hay tai biến mạch máu não, là một bệnh lý nguy hiểm do mạch máu bị tắc nghẽn (nhồi máu) hoặc bị vỡ (chảy máu) khiến cho một phần não bị tổn thương hoặc chết đi.
Đột quỵ rất phổ biến và có thể tấn công chúng ta bất cứ lúc nào nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều hiểu lầm về căn bệnh nguy hiểm này.
Dưới đây là 8 hiểu lầm phổ biến về đột quỵ.
Hiểu lầm 1: Chỉ người cao tuổi mới bị đột quỵ
Tại Việt Nam, có khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi).
Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng “béo phì văn phòng” làm gia tăng các vấn đề về bệnh lý tim mạch, là yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ.
Hiểu lầm 2: Đột quỵ là một tình trạng hiếm gặp
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đột quỵ là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong ở Việt Nam (21,7%) với khoảng 200,000 trường hợp mỗi năm.
Đặc biệt, người có mắc các rối loạn về nhịp tim (như rung nhĩ hay tăng huyết áp) sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với người bình thường.
Hiểu lầm 3: Người gầy không bị đột quỵ
Dù gầy nhưng bạn vẫn sẽ nằm trong nhóm có nguy cơ bị đột quỵ nếu:
- Có một lối sống không lành mạnh, ít vận động
- Sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá)
- Mắc các bệnh lý nguy cơ gây đột quỵ (như rung nhĩ, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu…)
Hiểu lầm 4: Trúng gió và đột quỵ là một
Mặc dù các triệu chứng giống nhau như đau đầu, chóng mặt, xây xẩm, ngất xỉu... nhưng trúng gió và đột quỵ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Trúng gió (trúng phong) thể hiện trạng thái cơ thể bị nhiễm lạnh và cảm cúm.
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng xảy ra khi có sự ngưng trệ trong dòng máu dẫn đến việc cung cấp máu nuôi não bị gián đoạn.
Có thể phân biệt trúng gió và đột quỵ nhờ quy tắc B.E F.A.S.T.
Hiểu lầm 5: Không thể phòng ngừa đột quỵ
Thay đổi lối sống bao gồm tập thể dục, giảm cân và từ bỏ các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá) đóng một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ ở mọi lứa tuổi.
Nếu mắc các bệnh mãn tính khác như rung nhĩ, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường thì việc tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ là yếu tố tiên quyết trong việc ngăn chặn cơn đột quỵ.
Hiểu lầm 6: Người bị đột quỵ sẽ không còn nguy cơ bị đột quỵ nữa
Khoảng 26% bệnh nhân sau đột quỵ sẽ bị tái phát đột quỵ, tới tỷ lệ tái phát đột quỵ năm đầu tiên lên đến 11%.
Hiểu lầm 7: Tập luyện thể thao liên tục giúp làm giảm nguy cơ bị đột quỵ
Vận động quá sức hay thể thao quá độ khiến cho cho cơ thể bị mệt mỏi, làm phản tác dụng và đôi khi làm tăng các yếu tố về tim mạch cũng như dẫn tới đột quỵ.
Người từng bị đột quỵ hay có những bệnh lý nguy cơ gây đột quỵ cần có sự tư vấn của chuyên gia y tế trong vấn đề rèn luyện sức khỏe.
Hiểu lầm 8: Không thể phục hồi sau đột quỵ
Nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh có thể hồi phục.
Thời gian vàng trong cấp cứu điều trị đột quỵ là từ 0-9 giờ đầu sau khi bị đột quỵ.
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết 8 hiểu lầm tai hại về đột quỵ nhiều người vẫn mắc phải tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].