1. Cho rằng không ai muốn nói chuyện với bạn
Bạn có thể là người nhút nhát, nhưng bạn không phải là người duy nhất. Nếu bạn đang băn khoăn về việc phải tỏ ra tự tin hoặc "tự nhiên", thì bạn đang bỏ sót trọng điểm: Hãy ngừng suy nghĩ về bản thân.
Thay vào đó, hãy nghĩ đến việc bắt chuyện như một hành động quan tâm. Có thể người bên cạnh bạn cũng háo hức muốn kết nối với bạn.
2. Ngắt lời, xen vào cuộc trò chuyện của người khác
Nếu bạn thấy những người khác đang trò chuyện sôi nổi, có thể họ chưa sẵn sàng để bạn xen vào.
Đầu tiên, hãy chờ đợi một thời gian tạm lắng. Sau đó, khi bạn có được sự chú ý của ai đó và lý tưởng nhất là khi họ ra tín hiệu với bạn, đó là cơ hội của bạn.
3. Bắt chuyện mà không có gì để nói
Nếu đối phương tỏ ra xa cách hoặc đang mải suy nghĩ, việc bạn xâm nhập vào không gian cá nhân của họ và nói nhỏ "hey" khó có thể giúp bạn phá vỡ khoảng cách với họ.
Hãy thử xin phép (ví dụ: "Xin chào. Tôi có thể nói chuyện với bạn được không?" hoặc "Bạn có phiền không nếu tôi hỏi bạn điều này?"), và hãy đảm bảo rằng bạn có ý tưởng trong đầu để bắt chuyện (ví dụ: "Cuối tuần bạn đi du lịch vui chứ?").
Tất cả chỉ nhằm tạo cơ hội thoải mái cho đối phương phản hồi.
4. Đề cập đến các chủ đề gây tranh cãi
Nếu bạn đang nói chuyện với một người mới quen, tốt nhất bạn không nên nói về những chủ đề nặng nề, khó chịu hoặc dễ gây chia rẽ, ví dụ như chính trị, tôn giáo.
Hãy nói về những chủ đề đơn giản và gần gũi mà bạn và người kia có thể quan sát cùng nhau. Có thể đó là bản nhạc mà cả hai bạn đang nghe, món ăn mà cả hai bạn đang nếm...
5. Nói quá nhanh, khó nghe
Khi bạn đã bắt chuyện được với đối phương, hãy duy trì mối liên hệ đó bằng cách nói chuyện sao cho dễ hiểu.
Ví dụ, nếu ngôn ngữ/phương ngữ của các bạn khác nhau, hãy nói chuyện chậm và phát âm rõ ràng.
Nếu bạn hay dùng tiếng lóng, đừng sử dụng những từ mà họ có thể không hiểu.
Nếu họ hỏi bạn làm nghề gì, hãy trả lời theo cách đơn giản, không mất quá nhiều thời gian và không sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên ngành.
6. Nói quá nhiều về bản thân - hoặc về người khác
Người ta thường nói rằng ai cũng thích nói về bản thân, vì vậy đặt câu hỏi cho đối phương là bí quyết để có những cuộc trò chuyện thú vị. Nhưng điều đó không đúng với tất cả mọi người.
Không ai thích cảm giác bị thẩm vấn, vì vậy nếu bạn cảm thấy đối phương không thích những câu hỏi đó của bạn, hãy dừng lại. Thay vào đó, bạn hãy kể chuyện của bạn, nêu một ý kiến hay, giảm bớt gánh nặng cho đối phương.
Nếu bạn không bắt được sở thích của họ, hãy thử hỏi về những chủ đề mà bạn quan tâm (ví dụ: "Bạn có thấy chiếc áo này trông thú vị không?" hoặc "Bạn biết quanh đây có nhà hàng nào ngon không?).
7. Lãng phí thời gian của người khác
Nếu bạn đang nói chuyện với ai đó, hãy tập trung nói chuyện với họ. Đừng nhìn chằm chằm xuống sàn nhà hoặc nhìn sang hướng khác. Cất điện thoại của bạn đi, dành toàn bộ sự chú ý cho đối phương.
Nhiều người có thể coi những câu hỏi xã giao là không quan trọng, hỏi cho có, không chân thành... Nhưng mọi mối quan hệ mà bạn coi trọng đều bắt đầu từ những cuộc trò chuyện ban đầu nào đó. Dù chúng có thể không sâu sắc nhưng bạn đã thực hiện một kết nối thực sự.
Xem thêm: 10 cách nói chuyện thuyết phục bất kỳ ai, người càng khôn khéo càng phải học
(Theo CNBC)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 7 sai lầm trong giao tiếp người giỏi xã giao tránh mắc phải tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].