Nghị định 12 quy định nhiều mức phạt mới đối với các vi phạm liên quan đến tiền lương của người sử dụng lao động (sau đây gọi là doanh nghiệp). Qua đó, nhằm hạn chế tình trạng vi phạm của doanh nghiệp, giúp quyền lợi của người lao động được đảm bảo hơn.
Thứ nhất: Doanh nghiệp phải trả cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động nếu cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế mà không trao đổi trước với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động hoặc không thông báo trước 30 ngày cho UBND cấp tỉnh (theo điểm c khoản 4 Điều 12)
Trước đây: Doanh nghiệp chỉ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng mà không phải trả tiền cho người lao động nếu vi phạm trong trường hợp nêu trên.
Thứ hai: Không công khai thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế thưởng tại nơi làm việc trước khi thực hiện, doanh nghiệp bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng (điểm a khoản 1 Điều 17)
Trước đây: Doanh nghiệp chỉ bị phạt từ 02 - 05 triệu đồng
Thứ ba: Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, doanh nghiệp bị phạt từ 05 - 10 trệu đồng (điểm b khoản 1 Điều 17).
Trước đây: Doanh nghiệp chỉ bị phạt từ 02 - 05 triệu đồng.
Thứ tư: Không thông báo bảng kê trả lương hoặc có thông báo bảng kê trả lương cho người lao động nhưng không đúng quy định, doanh nghiệp bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng (điểm d khoản 1 Điều 17).
Trước đây: Không có quy định xử phạt đối với hành vi này.
Quy định xử phạt này được bổ sung nhằm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 95 của Bộ luật Lao động 2019, trong đó yêu cầu mỗi lần trả lương, doanh nghiệp phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Thứ năm: Doanh nghiệp không trả lương bình đẳng hoặc phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng (điểm đ khoản 1 Điều 12).
Trước đây: Không quy định xử phạt đối với hành vi này.
Quy định này cũng được nhấn mạnh tại khoản 3 Điều 90 của Bộ luật Lao động 2019: Doanh nghiệp phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.
Thứ sáu: Trong trường hợp doanh nghiệp không trả hoặc trả không đủ cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, thì người lao động còn được hưởng thêm một khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (điểm b khoản 5 Điều 17).
Trước đây: Người lao động chỉ được trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ bảy: Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày (trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác), ngoài bị xử phạt tiền, doanh nghiệp buộc phải trả tiền lương cho người lao động nữ tương ứng với thời gian mà người lao động không được nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (điểm b khoản 3 Điều 28).
Trước đây: Vi phạm quy định này, doanh nghiệp chỉ bị phạt tiền.
V.LinhBạn đang xem bài viết 7 quy định mới về tiền lương có lợi cho người lao động tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].