7 biến chứng nguy hiểm của sỏi mật có thể đe dọa tính mạng

Sỏi mật là những tinh thể rắn, có kích thước nhỏ như hạt cát hoặc to như quả bóng bàn, hình thành khi dịch mật tích tụ trong túi mật hoặc đường mật.

Thầy thuốc Ưu tú, Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, sỏi mật hình thành âm thầm, không có triệu chứng điển hình.

Sỏi túi mật thường chỉ phát hiện qua thăm khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi sỏi đã gây ra biến chứng nguy hiểm.

1. Các biến chứng của sỏi mật

bien-chung-soi-mat-

Những biến chứng của sỏi mật ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể đe dọa tính mạng như:

Viêm túi mật

Xảy ra khi sỏi kẹt ở cổ túi mật lâu ngày. Bệnh gây đau dữ dội vùng bụng trên bên phải, cơn đau tăng lên khi sờ, thở sâu, ho kèm theo sốt.

Viêm phúc mạc mật

Sỏi xuất hiện làm tắc nghẽn đường mật và nhiễm trùng dịch mật. Đường mật tổn thương do áp lực co bóp của túi mật, túi mật bị vỡ làm dịch mật nhiễm trùng tràn vào phúc mạc, gây nhiễm trùng ổ bụng. Trường hợp nặng, người bệnh có thể hoại tử đường mật, viêm phúc mạc mật.

Viêm tụy cấp

Xảy ra do sỏi từ túi mật rơi xuống ống mật chủ làm tắc nghẽn, tăng áp lực trong ống tụy, ứ đọng dịch tụy và kích hoạt tại chỗ các enzym tuyến tụy, khiến nhu mô tụy bị hủy hoại.

Chảy máu đường mật

Những viên sỏi kích thước lớn dễ làm tổn thương đường mật, gây chảy máu. Người bệnh có thể buồn nôn, nôn ra máu cục, vàng da, sưng bụng, đau tức hạ sườn phải, sốt trên 38 độ, nước tiểu vàng, rối loạn tiêu hóa, đổ mồ hôi, mệt mỏi, đi ngoài phân đen.

Viêm mủ đường mật và áp xe gan mật

Viêm đường mật tiến triển dễ dẫn tới biến chứng áp xe gan mật. Bệnh gây đau nhiều ở vùng gan, sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, thể trạng suy kiệt do thiếu nước và nhiễm độc.

Sốc nhiễm khuẩn đường mật

Là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do sỏi mật, thường gặp ở người lớn tuổi có sỏi mật, đau sốt nhiều nhưng không được điều trị kịp thời.

Ung thư túi mật

Sỏi túi mật lâu năm gây viêm đường mật mạn tính có thể dẫn tới ung thư. Bệnh thường không có triệu chứng cho đến khi khối u phát triển và được chẩn đoán sau khi cắt túi mật. Một số biểu hiện dễ xảy ra như gầy sút cân, vàng da nếu khối u gây chèn ép đường mật.

2. Cách phòng ngừa sỏi mật

Theo bác sĩ Khanh, thói quen ăn uống, lối sống sinh hoạt không lành mạnh là những yếu tố nguy cơ gây nên sỏi túi mật.

Để phòng ngừa sỏi mật, mọi người nên:

  • Tăng cường chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc; chất béo tốt từ dầu cá, dầu ô liu.
  • Hạn chế tinh bột, đường và thực phẩm giàu chất béo bão hòa như bánh ngọt, bánh quy, bơ, phô mai…
  • Tránh nhịn ăn, giảm cân nhanh.
  • Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
  • Khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện bệnh sớm.

(Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính