Tự tin là đức tính rất tốt, rất cần thiết ở một đứa trẻ. Nó không những giúp ích cho trẻ ở hiện tại mà còn ở tương lai sau này.
Nhiều bậc phụ huynh đã có những cách thức để nuôi dạy con, tuy nhiên, không phải tất cả những phương án đó đều tốt cho trẻ. Nếu đang có những điều sau, nhất định cha mẹ phải nhìn nhận lại.
Không bao giờ bắt trẻ làm việc nhà
Nhiều cha mẹ luôn cảm thấy ''xót'' con khi thấy con phải làm một việc gì đó. Chính vì vậy, họ gần như không để trẻ phải nhúng tay vào bất cứ việc gì, ngay cả những việc nhỏ nhất như quét nhà, lau bàn, hay gấp quần áo.
Còn một số cha mẹ thì coi những việc đó không đáng kể, thà tranh thủ làm cho xong còn hơn để con làm mất thời gian.
Tuy nhiên, đây là những quan điểm rất sai lầm. Kéo dài như vậy, trẻ sẽ trở nên lười biếng, không có ý thức chủ động trong mọi công việc, chúng mặc nhiên coi mọi việc đều phải do cha mẹ làm.
Hãy để trẻ làm các công việc phù hợp với lứa tuổi, điều đó sẽ giúp trẻ cảm thấy được làm chủ và cố gắng hoàn thành công việc của mình. Vì vậy, khi bạn bảo con giặt giũ hay đi đổ rác chính là tạo những trách nhiệm và cơ hội cho con thấy mình có năng lực làm việc.
Luôn đảm bảo con sẽ không gặp thất bại
Cha mẹ luôn cảm thấy không đành lòng nếu phải nhìn thấy con gặp thất bại, bị từ chối hay làm chuyện gì đó không thành công. Họ sẽ lập tức can thiệp để trẻ có thể có được thứ mình muốn, tuy nhiên việc ngăn cản con phạm sai lầm chính là cướp đi cơ hội để con học cách phục hồi.
Cho dù con bạn có gặp thất bại trong một cuộc thi bóng đá lớn hoặc có một vài câu hỏi sai trong bài kiểm tra toán ở trường, thì những sai lầm đó chỉ là những điều tất yếu sẽ xảy ra mà thôi. Mỗi một lần thất bại sẽ là một cơ hội để trẻ xây dựng sức mạnh tinh thần làm tốt hơn trong lần tới.
Bạn có thể bao bọc còn khi con nhỏ, nhưng lúc chúng lớn lên, ra xã hội đi làm, bạn làm sao đủ sức chống đỡ cho những sai lầm của con?
Bảo vệ con khỏi những cảm xúc tiêu cực
Cổ vũ, động viên trẻ khi con buồn hoặc làm con bình tĩnh hơn khi thức giận là điều nên làm. Tuy nhiên, cách chúng ta phản ứng với cảm xúc của trẻ có tác động lớn đến sự phát triển trí tuệ cảm xúc và lòng tự trọng của chúng.
Cha mẹ hãy giúp con xác định những gì kích hoạt cảm xúc của chúng và dạy chúng cách tự điều chỉnh.
Gạt đi những mong muốn của con
Cha mẹ Việt thường có thói quen áp đặt suy nghĩ, mong muốn của bản thân vào con, cho rằng đó mới là điều tốt đẹp nhất mà không hề biết cảm nhận của con thế nào. Chúng có thực sự thấy tốt và cần hay không.
Hãy để trẻ được bộc lộ mong muốn của mình, bạn có thể khích lệ hoặc hướng chúng tới những gì tốt đẹp hơn, đấy mới là cách giáo dục con chân chính.
Mong đợi sự hoàn hảo ở con
Việc đặt kỳ vọng cao vào con bạn là một điều tốt. Nhưng kỳ vọng quá nhiều sẽ gây ra một hậu quả khá nghiêm trọng. Khi những đứa trẻ nhận được sự mong đợi quá lớn từ cha mẹ, chúng thậm chí có thể không buồn cố gắng hoặc cảm thấy như thể bản thân sẽ không bao giờ thực hiện được.
Hãy đưa ra những kỳ vọng rõ ràng, dài hạn và đặt từng mốc trên con đường phát triển của trẻ. Ví dụ, thi đỗ đại học là một kỳ vọng dài hạn, vì vậy bạn cần giúp trẻ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn để đạt được đích đến cuối cùng đó, như việc con cần học tốt môn này, môn kia chẳng hạn.
Trừng phạt thay vì kỷ luật
Trẻ con cần được nhắc nhở rằng, có một số hành vi dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cha mẹ cần phân định rõ giữa kỷ luật và hình phạt. Những đứa trẻ bị kỷ luật nghĩ rằng chúng đã đưa ra một lựa chọn tồi. Những đứa trẻ bị trừng phạt nghĩ rằng chúng là một người xấu.
Nói cách khác, kỷ luật giúp con bạn tự tin rằng chúng có thể đưa ra những lựa chọn thông minh hơn, lành mạnh hơn trong tương lai, trong khi hình phạt khiến chúng nghĩ rằng chúng không có khả năng làm tốt hơn.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết 6 sai lầm khi nuôi dạy con cha mẹ hay mắc phải, phá hủy sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].