Hôm nay 12/4, Đại học Y Hà Nội đã tổ chức tiêm mũi thứ hai của vắc xin COVID-19 Việt Nam Covivac cho 6 tình nguyện viên đầu tiên.
PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, 6 người đầu tiên được tiêm mũi vắc xin thứ hai là những người đã tiêm mũi thứ nhất vào ngày 15/3.
PGS Thiểm thông tin: "6 tình nguyện viên chưa có phản ứng phụ bất thường sau tiêm mũi 1. Với mũi tiêm thứ hai, các tình nguyện viên chỉ phải ở lại điểm tiêm 4 tiếng đồng hồ để theo dõi, nên nếu không có gì bất thường, tình nguyện viên sẽ được về theo dõi tại nhà trong chiều nay".
Đến thời điểm hiện tại đã có 96/120 tình nguyện viên đã được tiêm mũi đầu tiên của vắc xin Covivac. Dự kiến 24 tình nguyện viên còn lại sẽ được tiêm vào ngày 16-17/4.
Các tình nguyện viên đã được tiêm thử vắc xin Covivac đều chỉ ghi nhận phản ứng phụ ở mức nhẹ và trung bình như đau nhức vùng tiêm, mỏi cơ, sốt nhẹ.
120 tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau: 3 nhóm vắc xin không có tá chất với các mức liều: 1mcg; 3mcg; 10mcg; 1 nhóm vắc xin mức liều 1mcg có bổ sung tá chất; 1 nhóm gồm 20 người tiêm giả dược (nước muối vô trùng dùng để tiêm) để so sánh với những nhóm tiêm vắc xin trên.
Vắc xin COVIVAC là vắc xin phòng bệnh COVID-19. Vắc xin toàn hạt vi rút tinh khiết, bất hoạt, dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản.
COVIVAC là sản phẩm hợp tác của IVAC với các trường Đại học Y Icahn ở Mount Sinai, New York, Đại học Texas ở Austin, Tổ chức PATH (Mỹ) và các đối tác trong và ngoài nước khác.
Tổ chức nhận thử nghiệm là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tổ chức phối hợp thực hiện là Trường Đại học Y Hà Nội.
Nghiên cứu được giám sát độc lập bởi Vietstar Biomedical Research và số liệu được quản lý và phân tích bởi Trung tâm BIOPHICS (Trường Đại học Mahidol, Thái Lan).
V.LinhBạn đang xem bài viết 6 người đầu tiên tiêm thử nghiệm mũi 2 vắc-xin COVID-19 COVIVAC của Việt Nam tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].