6 bệnh trẻ dễ mắc trong mùa tựu trường và cách phòng ngừa hiệu quả

Trẻ em khi đi học tập trung trở lại, nguy cơ lây bệnh sẽ cao hơn khi ở cùng gia đình. Trẻ đi học dễ mắc bệnh gì và phòng ngừa thế nào?

Những bệnh trẻ dễ mắc khi đi học

Với trẻ mầm non và tiểu học, nguy cơ mắc bệnh rất cao khi đi học trở lại. Bởi trẻ còn quá nhỏ và chưa ý thức được việc giữ gìn, bảo vệ bản thân khi đến trường. Các con thoải mái ăn, ngủ, chơi cùng các bạn, điều này khiến bệnh dễ lây lan hơn.

Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen sinh hoạt từ không gian quanh nhà đến môi trường lớp học cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị bệnh. Các bệnh trẻ thường gặp khi đi học gồm:

1. Bệnh viêm đường hô hấp

Đây là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ trong mùa tựu trường, bởi thời điểm này cũng đúng là thời điểm thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường là yếu tố khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, cúm, viêm mũi họng, viêm phổi.

Trẻ bệnh đường hô hấp thường có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi. Bệnh lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần, giọt nước bọt bắn ra khi nói chuyện. Vì thế, khi trong lớp có trẻ mắc bệnh đường hô hấp thì sẽ rất dễ lây cho trẻ khác.

Tay chân miệng, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa là những bệnh trẻ dễ mắc khi đi học. Ảnh minh họa

Tay chân miệng, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa là những bệnh trẻ dễ mắc khi đi học. Ảnh minh họa

2. Bệnh tay chân miệng

Thời điểm tựu trường cũng là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa. Trẻ có thể bị sốt nhẹ thoáng qua, hoặc sốt cao 39 – 40 độ C, mỏi mệt, kém ăn, đau họng … và xuất hiện những nốt ban hồng khoảng 2mm ở miệng, da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi ở mông, cẳng chân.

Bệnh dễ lây thành dịch, từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc gần, giọt nước bọt bắn ra. Nếu trẻ bị bệnh mà không cho nghỉ học, cách ly ở nhà thì rất có nguy cơ lây sang các bạn cùng lớp.

3. Sốt xuất huyết

Tháng 9 cũng là mùa của bệnh sốt xuất huyết nên nguy cơ dịch bệnh trong trường học không thể chủ quan. Sốt xuất huyết là bệnh chưa có vắc-xin phòng bệnh, đường lây truyền dễ dàng qua muỗi vằn đốt.

4. Bệnh sốt siêu vi, sốt phát ban

Các biểu hiện chung thường thấy ở bệnh nhân nhiễm siêu vi là sốt cao 39 – 40 độ C kèm theo phát ban, mệt mỏi, đau cơ, đau họng, chán ăn, ... Ở trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật. Đáng lưu ý là khi trẻ bị co giật nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não, để lại di chứng nặng nề…

Sốt phát ban là bệnh rất dễ lây nhiễm, nhất là trong môi trường có tính tập thể như trường học, trường mẫu giáo vì bệnh lây chính yếu qua đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi làm văng những giọt nước li ti, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

5. Bệnh về đường tiêu hóa

Cũng giống như bệnh tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa có rất nhiều nguy cơ lây lan trong trường học, đặc biệt là khối nhà trẻ, mẫu giáo. Bởi bệnh lây trực tiếp qua đường tiêu hóa, chỉ cần vệ sinh bàn tay chưa sạch khi đi vệ sinh, bàn tay bẩn tiếp xúc đồ chơi, trẻ khác chơi, ngậm vào miệng là hoàn toàn có thể lây nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng.

6. Đau mắt

Mùa tựu trường là lúc dịch đau mắt đỏ hay tái phát và rất dễ lây. Do đó, cha mẹ cần dạy trẻ không lấy tay dụi mắt, không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn, áo, gối, ...), nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày.

Cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhất là đôi bàn tay. Ảnh minh họa

Cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nhất là đôi bàn tay. Ảnh minh họa

Cách phòng bệnh cho trẻ trong mùa tựu trường

Để phòng bệnh cho con trong mùa tựu trường, các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo cha mẹ và thầy cô cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Tiêm vắc-xin cho con đầy đủ và đúng lịch. Đây là cách chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin cho trẻ.
  • Hướng dẫn trẻ tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
  • Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc. Lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường.
  • Tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả tươi như cam, quýt, lê, dâu tây, rau xanh các loại… để bổ sung vitamin C, giúp ngừa cảm cúm, tăng sức đề kháng, đẩy các chất có hại ra ngoài, phục hồi khả năng các tế bào bị thương tổn.
  • Nhắc trẻ uống đủ nước, tập thể dục thể thao, ngủ sớm vào buổi tổi, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh…
  • Hạn chế ăn quà vặt ở cổng trường trước và sau giờ học. Vì đây cũng là một trong những căn nguyên gây bệnh về tiêu hóa.
  • Trang phục và đồ dùng mang theo khi trẻ đi học cũng nên được quan tâm. Tùy điều kiện thời tiết khác nhau mà trẻ nên ăn mặc sao cho vừa đẹp, vừa bảo đảm sức khỏe. Trong hành trang đi học của trẻ nên luôn có mũ, áo mưa hoặc ô, đề phòng thời tiết mưa nắng thất thường.
  • Chăm sóc vệ sinh thân thể, răng miệng để phòng tránh mắc các bệnh về da liễu, sâu răng.
  • Diệt lăng quăng, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt
  • Khi trẻ bị ốm cần hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác hoặc những người có cơ địa suy giảm miễn dịch, nằm trong môi trường thoáng khí, nhiệt độ mát.
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính