Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp tối ưu giúp người dân giảm bớt gánh nặng kinh tế nếu không may bị ốm đau, tai nạn. Căn cứ chương I Nghị định 146/2018/NĐ-CP, những người tham gia Bảo hiểm y tế bắt buộc hiện nay gồm 06 nhóm đối tượng:
Nhóm 1: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng.
Nhóm 2: Nhóm do cơ quan BHXH đóng.
Nhóm 3: Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng.
Nhóm 4: Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Nhóm 5: Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Nhóm 6: Nhóm do người sử dụng lao động đóng.
Tùy từng nhóm và các đối tượng cụ thể mà mức đóng BHYT giữa những người tham gia sẽ là khác nhau. Thậm chí có những trường hợp không cần đóng tiền BHYT vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi của người tham gia.
Cụ thể:
Những đối tượng không cần đóng tiền BHYT
Những người thuộc đối tượng này sẽ không cần đóng tiền BHYT mà vẫn được cấp thẻ BHYT và hưởng các quyền lợi của người tham gia. Bao gồm:
- Nhóm do cơ quan BHXH đóng:
Có thể kể đến các đối tượng sau: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; cán bộ cấp xã đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng…
- Nhóm do ngân sách nhà nước đóng:
Có thể kể đến các đối tượng sau: Cán bộ cấp xã đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; người có công với cách mạng theo quy định, cựu chiến binh,…
- Nhóm được nhà nước hỗ trợ mức đóng:
Chỉ bao gồm người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và các huyện được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết này.
- Nhóm đối tượng do người sử dụng lao động đóng:
Đơn cử như các đối tượng sau: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội, thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân, bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi;…
- Đối tượng khác: Học viên đào tạo sĩ quan dự bị từ 03 tháng trở lên chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong thời gian đào tạo được cơ sở đào tạo đóng bảo hiểm y tế (khoản 5 Điều 7 Nghị định 79/2020/NĐ-CP).
Những đối tượng tham gia BHYT phải đóng tiền
Căn cứ Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH, sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, với những trường hợp phải đóng tiền BHYT thì mức đóng hằng tháng của từng đối tượng được quy định như sau:
- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng:
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; là người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành Hợp tác xã hưởng tiền lương, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức; cán bộ, công chức viên chức:
Mức đóng BHYT của người lao động = 1,5% x Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc
Mức đóng BHYT của người sử dụng lao động = 3% x Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc
+ Đối tượng do người lao động, Công an đơn vị, địa phương đóng BHYT, bao gồm: công dân được tạm tuyển trước khi chính thức được tuyển chọn vào Công an nhân dân; công nhân Công an; người lao động làm việc theo hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên:
Mức đóng BHYT của người lao động = 1,5% Tiền lương tháng theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung hoặc Tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động
Mức đóng BHYT của Công an, đơn vị địa phương = 3% x Tiền lương tháng theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung hoặc Tiền lương tháng ghi trong hợp đồng lao động
+ Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức:
Mức đóng BHYT của người lao động = 1,5% x Mức lương cơ sở
Mức đóng BHYT của UBND xã = 3% x Mức lương cơ sở
- Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng:
+ Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp do ngân sách nhà nước đóng:
Mức đóng BHYT tối đa của người dân = 30% x 4,5% x Mức lương cơ sở
+ Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, kể cả sinh viên hệ dân sự đang học tập tại các trường Công an nhân dân:
Mức đóng BHYT tối đa của học sinh, sinh viên = 70% x 4,5% x Mức lương cơ sở
+ Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình:
Mức đóng BHYT tối đa của người dân = 70% x 4,5% x Mức lương cơ sở
- Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình:
+ Người thứ nhất:
Mức đóng BHYT = 4,5% x Mức lương cơ sở
+ Người thứ hai:
Mức đóng BHYT = 70% x 4,5% x Mức lương cơ sở
+ Người thứ ba:
Mức đóng BHYT = 60% x 4,5% x Mức lương cơ sở
+ Người thứ tư:
Mức đóng BHYT = 50% x 4,5% x Mức lương cơ sở
+ Từ người thứ năm trở đi:
Mức đóng BHYT = 40% x 4,5% x Mức lương cơ sở
Trong đó, mức lương cơ sở được áp dụng năm 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng
V.LinhBạn đang xem bài viết 5 trường hợp không cần đóng tiền BHYT vẫn được hưởng đầy đủ chế độ, chi phí khám bệnh tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].