1. Thử độ nóng của dầu chiên
Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra độ nóng của dầu trên chảo bằng cách thả vài hạt gạo vào đó. Thử bằng gạo không làm ảnh hưởng đến hương vị món ăn của bạn.
Trước khi cho đồ vào chiên bạn nhớ vớt bỏ các hạt gạo. Bạn cũng có thể dùng vài hạt cơm nguội để kiểm tra độ nóng của dầu theo cách tương tự.
2. Làm chín trái cây
Đây là một mẹo vặt dân gian đã được áp dụng từ rất lâu. Theo lý giải khoa học, thùng gạo luôn được đậy nắp kín nên có khả năng giữ khí ethylene (một loại khí tỏa ra làm chín trái cây) rất tốt.
Khi để trái cây vào thùng gạo, chúng sẽ chín nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn không nên để quá lâu, thời gian 2 ngày là hợp lý.
3. Rửa chai, lọ có miệng nhỏ
Với những dụng cụ nhà bếp khó làm sạch như ấm trà, lọ thủy tinh... có đáy sâu, miệng nhỏ, bạn chỉ cần cho một nắm gạo nhỏ, thêm vài giọt nước rửa bát, đổ nước vào khoảng 2/3 rồi dùng tay bịt miệng lọ và lắc thật mạnh liên tục.
Chuyển động của các hạt gạo bên trong bình sẽ giúp loại bỏ các vết bẩn một cách đơn giản.
4. Làm túi chườm nóng
Hãy cho gạo vào một túi vải sạch và buộc hoặc khâu kín miệng túi lại. Sau đó, cho túi gạo vào lò vi sóng khoảng 30 giây (không để quá lâu vì gạo có thể bị cháy và quá nóng khiến người dùng bị bỏng).
Khi túi gạo đã nóng, bạn có thể lấy ra dùng như túi chườm nóng thông thường. Khi túi nguội thì lại bỏ vào lò vi sóng để làm ấm.
5. Bảo quản dụng cụ kim loại
Bạn hãy đặt những món đồ kim loại như kìm hay tuốc-nơ-vít... vào một chiếc hộp đựng gạo (phần kim loại cắm vào gạo).
Gạo sẽ hút ẩm và làm chậm quá trình oxy hóa kim loại, ngăn chặn việc rỉ sét, xỉn màu và kéo dài tuổi thọ cho vật dụng kim loại.
Minh KhuêBạn đang xem bài viết 5 mẹo vặt từ gạo tưởng lạ lùng nhưng lại rất hiệu quả mà nhiều người không hề hay biết tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].