‘Hiểm họa’ từ thần dược
Mướp đắng hay còn gọi là khổ qua là một loại thực phẩm thường xuất hiện trong các bữa cơm của gia đình Việt Nam.
Với nhiều tác dụng chữa bệnh và cả giảm cân, mướp đắng còn được biết đến như một loại ‘thần dược’ cho sức khỏe.
Tuy nhiên, có những ‘mặt tối’ của mướp đắng mà bạn cần phải biết để có thể sử dụng đúng cách và khai thác tốt nhất công dụng của loại thực phẩm này.
1. Giảm khả năng thụ thai và dễ gây sảy thai
Mướp đắng được khuyên không nên hoặc hạn chế sử dụng với phụ nữ mang thai, do chất đắng có thể khiến dạ dày và dạ con co bóp.
Điều này có thể gây sảy thai, sinh non với những phụ nữ có nguy cơ cao như tử cung nghiêng, tử cung có sẹo...
Thí nghiệm trên chuột và thỏ mang thai khi sử dụng 6ml nước ép mướp đắng/kg trọng lượng cơ thể dẫn đến xuất huyết dạ con và tử vong trong vài giờ.
Mướp đắng cũng có thể gây dị dạng bào thai ở chuột.
Sử dụng 1,7 gam/ngày có thể gây tổn thương tinh hoàn ở chó đực và làm giảm khả năng thụ thai ở chuột cái từ 90% xuống còn 20%.
2. Hạ đường huyết
Mướp đắng được biết đến với công dụng giúp điều chỉnh lượng đường huyết cho những người huyết áp cao, tuy nhiên đây cũng là ‘con dao hai lưỡi’, đặc biệt với người có huyết áp bình thường hoặc huyết áp thấp.
Hạ đường huyết dạng nhẹ có thể gây âu lo, chóng mặt, đau đầu, nặng sẽ dẫn đến hôn mê.
Do đó những người có huyết áp thấp hoặc những người vốn đang sử dụng thuốc trị tiểu đường cần cân nhắc khi sử dụng mướp đắng.
3. Tăng men gan
Theo nghiên cứu mới nhất vào năm 2016, sử dụng mướp đắng hay trà mướp đắng trong thời gian ngắn không ảnh hưởng tới gan, tuy nhiên khi sử dụng kéo dài có thể làm enzym gan tăng cao.
Nguy cơ tiềm ẩn là dẫn đến các rối loạn khác của cơ thể như xơ vữa động mạch hay kích động các mô tim mạch.
Nếu bạn có tiền sử các bệnh về gan như xơ gan thì nên cẩn trọng khi sử dụng mướp đắng như món ăn hay loại thức uống hàng ngày.
4. Các tác dụng phụ nghiêm trọng
Trong cơ thể có một loại enzym đặc biệt là G6PD giúp hồng cầu hoạt động bình thường, nếu cơ thể bạn thiếu hụt loại enzym này thì sẽ dị ứng với chất vicine trong mướp đắng.
Các phản ứng có thể xảy ra với mướp đắng đặc biệt khi nấu chưa đủ chín là sốt, nhức đầu; đau bụng và đau thắt lưng; tim đập nhanh, khó thở, nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận cấp.
Mướp đắng chứa các thành phần có tính kiềm tương tự như ký ninh hay hợp chất saponin, ở liều lượng lớn có thể phát tán độc tố trong cơ thể, gây đau dạ dày, buồn nôn, suy giảm thị lực, tiêu chảy...
5. Ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em
Tuy chưa có nghiên cứu nào chỉ ra chất gây hại trong mướp đắng với trẻ em, tuy nhiên đã có hai ca ghi nhận trẻ em bị hôn mê sau khi sử dụng trà mướp đắng.
Do các tác dụng phụ của mướp đắng như gây buồn nôn, chán ăn... có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến trẻ em hơn so với người lớn, nên khi cho trẻ dùng mướp đắng lần đầu, phụ huynh cần chú ý đến lượng sử dụng.
6. Nhịp tim bất thường
Tạp chí chuyên khoa y dược ‘The Annals of Saudi Medicine’ đã công bố trường hợp một sinh viên 22 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh trải qua cơn rung tâm nhĩ kịch phát sau khi uống ½ cốc nướ ép mướp đắng.
Khi bị rung nhanh tâm nhĩ sẽ không co bóp được bình thường, do đó sẽ không bơm đủ lượng máu vào tâm thất.
Khi máu không được bơm sự di chuyển trì trệ sẽ dễ làm đông máu trong tâm nhĩ, có thể gây đau tim hay đột quỵ. Cục máu đông có thể rời tim, theo động mạch lên não gây chứng tai biến mạch máu não.
Tuy đây chỉ là ca bệnh hiếm gặp nhưng cũng là cảnh báo cần cẩn trọng khi sử dụng mướp đắng nếu có các tiền sử về rối loạn tim mạch.
Đặc biệt, với những người sắp trải qua phẫu thuật, cần tránh dùng mướp đắng trong 2 tuần trước ca mổ để hạn chế các ảnh hưởng không mong muốn.
Lưu ý khi dùng mướp đắng để giảm cân hoặc điều trị tiểu đường
Nhiều chị em phụ nữ nhận thấy tác dụng giảm cân, đẹp da của mướp đắng nên thường sử dụng hàng ngày, hoặc các bệnh nhân tiểu đường cũng dùng mướp đẳng để điều chỉnh lượng đường huyết trong cơ thể.
Khi sử dụng mướp đắng trong thời gian dài, bạn luôn cần tham khảo ý kiến chỉ dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe đến từ Trung tâm y tế trực thuộc ĐH Michigan (Hoa Kỳ) khuyên dùng khoảng 60 ml nước ép mướp đắng mỗi ngày.
Một cách khác hãm mướp đắng với cỏ ngọt hoặc cam thảo để giảm vị đắng, dùng khoảng 100 ml hàng ngày.
Cách 1: Nước ép mướp đắng
Rửa sạch mướp đắng, bỏ ruột, cắt lát. Cho vào máy xay sinh tố xay với một chút nước ấm. Sau đó đổ qua màng lọc để lọc hết bã, cho thêm một thìa cà phê muối và nước chanh tươi.
Cách 2: Hãm nước mướp đắng
Mướp đắng thái lát, đem phơi nắng cho khô rồi sao trên chảo cho đến khi mướp ngả vàng, để nguội rồi cho vào lọ dùng dần.
Mỗi khi sử dụng, đun sôi mướp đắng đã sao, khi nước sôi cho thêm chút cỏ ngọt hoặc cam thảo để tăng dược tính và tạo vị thơm ngon.
“Thuốc đắng giã tật” – Công dụng của mướp đắng đã được công nhận từ lâu, tuy nhiên cũng như bất cứ vị thuốc nào khác, chúng ta không nên lạm dụng. Hãy sử dụng vừa phải và kết hợp với cân bằng dinh dưỡng để khai thác tốt nhất hiệu quả của loại ‘thần dược’ dân gian này bạn nhé.
Nguồn tham khảo:
- Adriane Fugh-Berman (2003). The 5-minute herb and dietary supplement consult
- ‘The Annals of Saudi Medicine’ report (2010)
- Ruitang Deng (2013). A Review of the Hypoglycemic Effects of Five Commonly Used Herbal Food Supplements
- Md Ashraful Alam, Riaz Uddin, Nusrat Subhan, Md Mahbubur Rahman, Preeti Jain, Hasan Mahmud Reza (2015). Beneficial Role of Bitter Melon Supplementation in Obesity and Related Complications in Metabolic Syndrome
Mai HoaBạn đang xem bài viết 5 ‘hiểm họa’ không ngờ từ mướp đắng tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].