Theo Express, bệnh gan nhiễm mỡ là do lượng mỡ dư thừa tích tụ trong gan.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: Một số người cho rằng chỉ nhóm bị thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu bia mới có khả năng mắc gan nhiễm mỡ hoặc các bệnh chuyển hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người gầy, người ăn chay, hay giảm cân đã mắc gan nhiễm mỡ và các bệnh rối loạn chuyển hóa do tình trạng này gây ra.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Gastroenterology năm 2019 cho thấy tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ trong số người béo phì là khoảng 50-70%; còn lại là ở người gầy. Song, con số này có thể thay đổi và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như phương pháp đo lường, tiêu chuẩn chẩn đoán và tùy thuộc vào những nhóm dân tộc, địa lý cụ thể.
Trong giai đoạn đầu, gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng nên có thể không được phát hiện.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bạn có thể bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu xuất hiện. Về lâu dài, bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như suy gan, ung thư và thậm chí tử vong.
Phát hiện càng sớm các triệu chứng gan nhiễm mỡ thì càng có cơ hội điều trị sớm.
Bác sĩ gan Saurabh Sethi (Mỹ) chia sẻ 5 dấu hiệu cảnh báo bệnh gan nhiễm mỡ là:
- Đau bụng trên bên phải
- Mệt mỏi, yếu người
- Giảm cân hoặc chán ăn
- Men gan tăng cao (ALT và AST)
- Gan to (ở giai đoạn tiến triển).
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) mô tả chi tiết hơn về triệu chứng đau bụng ở gan nhiễm mỡ như đau âm ỉ hoặc nhói ở phía trên bên phải vùng bụng.
Nếu tình trạng gan nhiễm mỡ nghiêm trọng và tiến triển thành xơ gan, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng:
- Vàng da
- Ngứa da
- Sưng phù ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của gan nhiễm mỡ, hãy đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết 5 dấu hiệu cảnh báo gan nhiễm mỡ, người gầy cũng có thể bị tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].