Vitamin E được dự trữ chủ yếu trong gan trước khi được đưa vào máu để sử dụng.
Thiếu vitamin E là tình trạng không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra, và thường là do bệnh lý có từ trước.
Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo bạn bị thiếu vitamin E.
1. Dấu hiệu và triệu chứng thiếu vitamin E
1.1. Cơ bắp suy yếu
Vitamin E rất cần thiết cho hệ thần kinh trung ương.
Nó là một trong những chất chống oxy hóa chính của cơ thể, và sự thiếu hụt vitamin E dẫn đến stress oxy hóa, có thể khiến cơ bắp suy yếu.
1.2. Khó khăn về phối hợp vận động, đi lại
Purkinje là một loại tế bào thần kinh đặc biệt được tìm thấy trong tiểu não. Tế bào Purkinje có thể điều chỉnh sai lệch về cử động.
Thiếu vitamin E có thể khiến một số tế bào thần kinh Purkinje bị phá vỡ, ảnh hưởng đến khả năng truyền tín hiệu của chúng.
1.3. Cảm giác tê, kiến bò
Tổn thương các sợi thần kinh có thể ngăn cản các dây thần kinh truyền tín hiệu chính xác, dẫn đến những cảm giác tê, kiến bò, còn được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên.
1.4. Suy giảm thị lực
Thiếu vitamin E có thể làm suy yếu các thụ thể ánh sáng trong võng mạc và các tế bào khác trong mắt. Điều này có thể dẫn đến suy giảm thị lực dần theo thời gian.
1.5. Các vấn đề về hệ miễn dịch
Một số nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin E có thể ức chế các tế bào miễn dịch. Người lớn tuổi có thể gặp nguy cơ cao.
2. Nguyên nhân gây thiếu hụt vitamin E
2.1. Di truyền
Thiếu vitamin E thường xảy ra ở những người có yếu tố di truyền.
Tìm hiểu tiền sử gia đình có thể giúp chẩn đoán một số bệnh di truyền hiếm gặp dễ dàng hơn.
Ví dụ, hội chứng Bassen-Kornzweig (abetalipoproteinemia) là một bệnh di truyền, trong đó người bệnh không thể hấp thụ đầy đủ chất béo từ chế độ ăn uống. Từ đó khiến cơ thể không đủ chất béo để hấp thụ vitamin E.
2.2. Bệnh lý nền
Thiếu vitamin E cũng có thể do các bệnh lý nền làm giảm sự hấp thụ chất béo khiến cơ thể không thể hấp thụ đủ vitamin E.
Một số bệnh dẫn tới thiếu vitamin E như:
- Viêm tụy mãn tính
- Bệnh celiac
- Bệnh gan ứ mật
- Xơ nang.
3. Khi nào nên đi khám bác sĩ
Nếu bạn không có yếu tố di truyền nhưng có dấu hiệu thiếu vitamin E, bạn nên đi khám bác sĩ.
Nồng độ vitamin E trong máu quá thấp có thể là dấu hiệu vấn đề sức khỏe nào đó, vì vậy nên thăm khám để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị.
4. Bổ sung vitamin E như thế nào?
Rất khó có khả năng một người bị thiếu vitamin E nếu không có một bệnh lý nền mãn tính hoặc yếu tố di truyền hoặc chế độ ăn cực kỳ ít chất béo.
Vitamin E có trong nhiều loại thực phẩm. Cơ thể con người không thể sản xuất vitamin E, vì vậy bạn cần bổ sung từ chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng.
Thực phẩm chứa vitamin E bao gồm:
- Dầu thực vật, chẳng hạn như dầu mầm lúa mì, dầu lạc và dầu ô liu
- Các loại hạt
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Sữa
- Hầu hết các loại rau, như rau cải bó xôi, cải rổ, ớt chuông đỏ, quả bơ...
5. Biến chứng khi thừa vitamin E
Bạn cũng nên lưu ý không dùng quá nhiều thực phẩm chức năng bổ sung các loại vitamin tan trong chất béo, như vitamin A, D, E và K.
Liều vitamin E quá cao có thể gây chảy máu bất thường, đau nhức cơ bắp, tiêu chảy và nôn mửa. Chảy máu có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong sớm.
Quá nhiều vitamin E cũng có thể tương tác với thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin và thuốc hóa trị.
Bạn nên thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thực phẩm chức năng và vitamin mà bạn dùng thường xuyên. Không vượt quá liều lượng khuyến nghị của thực phẩm chức năng trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
(Theo Medical News Today)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 5 dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu vitamin E tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].